Chiều tối ngày 2/4, Toyota Việt Nam đã có cuộc họp báo tổng kết  hoạt động năm 2014, và chiến lược kinh doanh năm 2015. Theo đó, doanh số bán hàng Toyota năm 2014 đạt 41.205 xe, tăng 24% so với năm trước, và chiếm 31% thị phần trong VAMA, giúp Toyota giữ vững danh hiệu thương hiệu xe hơi (du lịch) bán chạy nhất Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong năm 2014 Toyota lắp ráp 34.778 xe, đạt sản lượng 127 xe/ngày sau 20 năm vào Việt Nam. Giá trị kim ngạch xuất khẩu phụ tùng của TMV đạt 40 triệu USD.

Năm 2014, Toyota Việt Nam ra mắt 3 mẫu xe thế hệ mới Vios, Yaris và Corrolla Altis, và một số cải tiển nhỏ cho các mẫu Innova, Fortuner và Prado. 3 mẫu xe bán chạy nhất của Toyota, cũng là bán chạy nhất trên thị trường ô tô Việt Nam, lần lượt là Vios, Fortuner và Innova, đều là những mẫu xe lắp ráp trong nước.

Lắp ráp hay nhập khẩu

Sau 20 năm phát triển tại thị trường Việt Nam, TMV, với cương vị là nhà sản xuất ô tô du lịch số 1 trên thị trường Việt Nam, vẫn chưa đưa ra được một con số về tỉ lệ nội địa hóa khả quan. Số lượng nhà cung cấp phụ tùng cho TMV dừng lại ở con số 18, mà theo TMV, với quy mô của thị trường, đó “không phải là con số thấp”.

Câu chuyện về nội địa hóa là một câu chuyện dài hơi, trong đó muốn tăng tỉ lệ nội địa hóa, thì quy mô thị trường phải đủ lớn, doanh số xe đủ cao, thì đầu tư vào lắp ráp mới phát triển tương ứng theo với thị trường. Nhìn rộng ra, với 50 năm bước vào thị trường ô tô của Thái Lan, thì việc TMV mới phát triển tại Việt Nam 20 năm, vẫn chỉ là con số khiêm tốn. Đặc biệt, với những chính sách phát triển, cơ sở hạ tầng và thượng tầng kiến trúc khác nhau, khó có thể so sánh quy mô thị trường ô tô Thái Lan với Việt Nam.

TMV cho biết để sản xuất một mẫu xe thì cần thời gian chuẩn bị là 3 năm, do đó 2015 là thời điểm họ sẽ phải quyết định tiếp tục sản xuất hay chuyển sang nhập khẩu xe nguyên chiếc tại Việt Nam, trước thời điểm thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN về 0% vào năm 2018.

Trong bối cảnh sản xuất trong nước chưa đủ mạnh, số lượng nhà cung cấp linh kiện nội địa hóa chưa nhiều, thì việc nhập khẩu phụ tùng linh kiện về để lắp ráp rất tốn kém. Khi thuế suất về 0, thậm chí việc nhập linh kiện về lắp một mẫu xe còn khiến giá xe cao hơn việc nhập khẩu xe nguyên chiếc từ Thái Lan, Indonesia hay Malaysia.

Ông Yoshihisa Maruta, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam, nói –“ Nhập xe nguyên chiếc về bán sẽ rẻ hơn là nhập linh kiện, rồi gỡ ra rồi lại lắp lại. Vì thế việc thuế nhập khẩu trong ASEAN giảm xuống 0% vào năm 2018 là một vấn đề lớn. Trong VAMA, TMV cũng như các nhà sản xuất khác cũng đối mặt với vấn đề tương tự, sắp phải quyết định tiếp tục sản xuất hay chuyển sang nhập khẩu ”.

Một lần nữa, ông Yoshihisa Maruta bày tỏ niềm trông chờ vào chiến lược tổng thể về phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Chính phủ. “Nếu các cơ quan chức năng không có động thái cụ thể, tất cả các nhà sản xuất trong nước sẽ gặp khó khăn”, ông Maruta chia sẻ.