Sự căng thẳng giữa Ủy ban châu Âu (EU) và Nga về phí tái chế ôtô dành cho dòng xe nhập khẩu ngày càng tăng. Theo đó, Nga đã từ chối bãi bỏ loại phí mà EU gọi là "rào cản thương mại bất hợp pháp đối với xe nhập khẩu". Đến nay, theo nguồn tin của Reuters, một thành viên khác của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là Mỹ cũng nhảy vào cuộc.

Trước đó, chính phủ Nga đã tuyên bố sẽ hạ thấp thuế nhập khẩu đối với dòng xe nước ngoài. Đây là một phần trong thỏa thuận để Nga có thể tham gia WTO.

Tuy nhiên, sau khi mọi giấy tờ đã được ký kết, Nga lại không thực hiện theo thỏa thuận. Thay vào đó, chính phủ Nga lại ban hành phí "được dùng để chi trả cho quá trình tái chế ôtô" vốn chỉ áp dụng cho dòng xe nhập khẩu.
 
Mỹ và châu Âu phản đối phí tái chế ôtô của Nga 1
Chỉ có dòng xe nhập khẩu vào Nga mới bị áp dụng phí tái chế ôtô.

Đương nhiên, dòng xe sản xuất trên lãnh thổ Nga không bị áp dụng loại phí trên. Do đó, dòng xe lắp ráp tại Nga sẽ được bán với giá cạnh tranh hơn ôtô nhập khẩu.

Đây rõ ràng là một động thái nhằm bảo vệ ngành công nghiệp ôtô nội địa của chính phủ Nga. Không đồng ý với quan điểm của Nga, ban lãnh đạo WTO đã yêu cầu chính phủ nước này loại bỏ phí tái chế ôtô dành cho xe nhập khẩu hoặc ít nhất đưa ra lý do giải thích hợp lý.

Hiện nay, ôtô là một ngành công nghiệp đầy tiềm năng của Nga. Thậm chí, Nga còn tuyên bố sẽ trở thành thị trường xe hơi lớn nhất châu Âu và thứ 5 thế giới vào năm 2016, tức là vượt qua cả Đức. Nga tự tin lượng xe bán ra vào năm 2020 sẽ đạt mức 4,4 triệu chiếc từ con số 2,9 triệu hiện nay.

Các hãng xe lớn cũng đã nhìn ra tiềm năng của nước Nga. Mới đây, Ford đã xây dựng một nhà máy liên doanh tại Nga. Trong tương lai, Ford còn dự định xây dựng một nhà máy động cơ khác tại xứ sở bạch dương.

"Đồng hương" General Motors của Ford cũng không chịu kém cạnh. GM đã đầu tư khoảng 1 tỷ Đô la Mỹ để thúc đẩy tăng trưởng tại Nga bằng cách tăng sản lượng hàng năng, từ 100.000 xe lên 230.000 chiếc.