CTCP tập đoàn Vingroup (VIC) do tỷ phú Phạm Nhật Vượng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2023.

Trong quý, Vingroup 47.948 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 66,8% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức doanh thu kỷ lục trong lịch sử hoạt động của tập đoàn này. Trong đó, doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản đạt 30.281 tỷ đồng, nguồn thu từ hoạt động sản xuất với 7.457 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ năm 2022. Nguồn thu từ mảng cho thuê bất động sản; khách sạn, du lịch; bệnh viện, giáo dục biến động không đáng kể.

Lũy kế 9 tháng, tổng doanh thu thuần hợp nhất của Vingroup đạt 134.207 tỷ đồng, mức kỷ lục trong lịch sử của tập đoàn này, tăng 122% so với cùng kỳ năm trước.

Với sự tăng trưởng nhanh về doanh thu, lãi trước thuế trong quý 3 đạt 4.475 tỷ đồng, bằng 85,2% cùng kỳ; lãi sau thuế 567 tỷ đồng, tăng 12%.

Sau khi khấu trừ các chi phí, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Vingroup ở mức 12.375 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất 9 tháng đạt 1.556 tỷ đồng, hoàn thành 78% kế hoạch cả năm.

Tại ngày 30 /9/2023, tổng tài sản Vingroup đạt 625.387 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 30/6.

Tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng phá kỷ lục về doanh thu, lộ diện "gà đẻ trứng vàng" - Ảnh 1.

Lý giải cho sự tăng trưởng thần tốc này, phía VIC cho biết, chủ yếu là nhờ tốc độ bàn giao các bất động sản thấp tầng và tăng trưởng mạnh của doanh thu bán xe điện so với cùng kỳ năm 2022. Các lĩnh vực khác gồm bất động sản đầu tư, dịch vụ khách sạn, du lịch, vui chơi giải trí và sản xuất đều ghi nhận tăng trưởng tốt.

Lĩnh vực Công nghệ – Công nghiệp, ngày 15/8, VinFast đã chính thức trở thành công ty niêm yết đại chúng trên sàn NASDAQ sau khi hoàn tất thành công giao dịch hợp nhất kinh doanh với Black Spade Acquisition Co.

Tính đến 30/9, VinFast đã có 126 showrooms theo mô hình 1S, 2S, 3S, đại lý ủy quyền, trong đó 91 showrooms tại Việt Nam và 25 tại thị trường quốc tế.

Trong quý 3, VinFast đã chính thức ra mắt 3 mẫu ôtô điện mới gồm VF 3, VF 6, VF 7 và mẫu xe đạp điện đầu tiên tại thị trường Việt Nam. Trong đó, mẫu xe VF 6 đã bắt đầu nhận đặt cọc tại Việt Nam từ 20/10. Tổng số xe ô tô điện bàn giao trong 9 tháng đầu năm 2023 của công ty đạt 21.342 xe.

Về chiến lược kinh doanh của VinFast trong thời gian tới, trong một bài phỏng vấn trước đó, bà Lê Thị Thu Thủy, CEO VinFast cho biết, công ty sẽ tiếp tục sử dụng thị trường Việt Nam làm nền tảng để phát triển. Còn với việc "go global", công ty chọn Mỹ là nơi xuất phát. Ngoài ra công ty đang tìm cách để đưa sản phẩm sang Châu Âu, ASEAN và Trung Đông. VinFast đặt ra mục tiêu cuối năm 2024 sẽ hòa vốn.

Tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng phá kỷ lục về doanh thu, lộ diện "gà đẻ trứng vàng" - Ảnh 2.

Về thương mại dịch vụ, tính đến hết tháng 9, tổng doanh thu thuần hợp nhất quy đổi (bao gồm doanh thu từ các hoạt động của Vinhomes, các hợp đồng hợp tác kinh doanh và chuyển nhượng bất động sản được ghi nhận vào thu nhập tài chính) đạt 108.400 tỷ đồng, tăng 118% so với cùng kỳ. Lợi nhuận hợp nhất sau thuế vượt kế hoạch năm đề ra, đạt 32.400 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ.

Các căn thương mại thấp tầng tại tổ hợp Mega Grand World thuộc Thành phố Ocean City đã nhận được 500 đăng ký nguyện vọng từ khách hàng sau khi được giới thiệu ra thị trường vào tháng 7. Dự kiến khi khai trương vào tháng 12 năm 2023, tổ hợp mua sắm – vui chơi – giải trí Mega Grand World cùng quần thể công viên giải trí VinWonders độc đáo lớn nhất miền Bắc sẽ đưa Ocean City (gồm Vinhomes Ocean Park 1, 2 và 3) thành điểm đến quốc tế, góp phần tăng sức hút cho du lịch Thủ đô.

Tại thời điểm 30/9, quy mô tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của Vinhomes đạt lần lượt 417.000 tỷ đồng và 181.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 15% và 22% so với tại thời điểm đầu năm.

Với Vincom Retail, lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần đạt 7.449 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.341 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 43% và 72% so với cùng kỳ.

Ở lĩnh vực Du lịch nghỉ dưỡng và Vui chơi giải trí, Vinpearl ghi nhận số đêm phòng đã bán trong quý tăng 34% so với cùng kỳ năm trước và hồi phục hơn 90% do với cùng kỳ 2019.