Các đối tác tài xế Grab tại Việt có thu nhập trung bình mỗi giờ cao hơn 55% so với mức lương trung bình tính theo giờ ở Việt Nam, tỉ lệ % cao nhất trong khu vực.
Thông tin từ Grab, các số liệu tăng trưởng thu nhập trên khắp Đông Nam Á cho thấy các đối tác tài xế Grab tại Việt có thu nhập trung bình mỗi giờ cao hơn 55% so với mức lương trung bình tính theo giờ ở Việt Nam, tỉ lệ % cao nhất trong khu vực.
Grab hiện là ứng dụng gọi xe lớn nhất trong khu vực với số lượng đối tác tài xế lên con số hơn 2,4 triệu người trên toàn Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, Grab cũng đang là một nghề thu hút một lượng lớn lao động có phương tiện hoặc vay tiền đầu tư phương tiện để trở thành đối tác tài xế.
Theo con số thống kê của Bộ GTVT vào thời điểm tháng 11/2017, tại TP.HCM, lượng xe được Sở GTVT cấp phù hiệu xe hợp đồng và tham gia hoạt động ở mạng lưới Grab là 18.110 xe. Tương tự, tại Hà Nội trong cùng thời điểm, GrabTaxi cho hay hãng này có 11.474 xe chiếm 90,67% số xe taxi công nghệ trên thị trường Việt Nam. Đó là thời điểm Uber vẫn còn hoạt động ở Việt Nam với lượng phương tiện tham gia ở cả Hà Nội và TP.HCM khoảng 6.000 xe.
Khi Uber dừng hoạt động tại Việt Nam vào 9/4 vừa qua, theo dự đoán cúa nhiều người thì phần lớn tài xế Uber sẽ chuyển sang sử dụng trên nền tảng Grab trong khi các ứng dụng gọi xe tại Việt Nam vẫn chưa thực sự hút khách.
Một số tài xế chạy Uber trước đây chia sẻ, việc Uber sáp nhập với Grab đưa ra cho các tài xế không nhiều lựa chọn. Nếu chuyển sang Grab, họ phải chấp nhận tỷ lệ ăn chia cao hơn (28,6%) hoặc chọn các ứng dụng gọi xe khác chưa có nhiều khách hàng.
Ngoài ra, Grab Việt Nam cũng siết mạnh tay hơn việc xử lý vi phạm đối với các tài xế vi phạm bộ quy tắc ứng xử của Grab bằng việc khóa (tạm thời hoặc vĩnh viễn) tài khoản đối với các lái xe.
Thực tế trên các diễn đàn cho thấy, nhiều tài xế cho biết thu nhập giảm khi lượng khách hàng giảm xuống rõ rệt kể từ sau khi Uber sáp nhập về Grab. Dù vậy họ phải chấp nhận bởi đang phải chịu nhiều sức ép từ việc vay ngân hàng để mua xe.