Yang Yujun, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, chiếc tàu sân bay mới này được thiết kế bởi các công trình sư trong nước và đang được thi công ở cảng Đại Liên.

Cách đây vài tháng, các nhà phân tích quân sự quốc tế và truyền thông Trung Quốc đã công bố những bức ảnh chụp từ vệ tinh và ảnh chụp trực tiếp, qua đó dấy lên những đồn đoán mới về tiến độ đóng chiếc tàu sân bay thứ 2.

Trung Quốc có đường bờ biển dài và quyền tài phán với nhiều vùng lãnh hải. Do vậy, bảo vệ các tuyên bố về lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán cũng như các lợi ích trên biển là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của các lực lượng vũ trang Trung Quốc”, ông Yang nói.

Bản vẽ thiết kế dựa trên những kinh nghiệm từ chiếc tàu sân bay đầu tiên mang tên Liêu Ninh mà nước này mua lại từ Ukraine năm 1998 và được cải tạo, hiện đại hóa tại Trung Quốc.

Đây là chiếc tàu sân bay sử dụng hệ thống động lực thông thường với choán nước khoảng 50.000 tấn, có thể phục vụ cất hạ cánh của các máy bay tiêm kích trên hạm J-15 nhưng không có cầu dốc cho máy bay cất cánh như tàu Liêu Ninh.

Hiện có rất ít thông tin được hé lộ về chương trình tàu sân bay của Trung Quốc bởi lẽ đây là bí mật quốc gia. Yang không nói khi nào thì chiếc tàu sân bay thứ 2 sẽ được đưa vào biên chế mà chỉ tiết lộ đơn giản là tùy thuộc vào tiến độ thiết kế.

Khi được hỏi liệu Trung Quốc có kế hoạch đóng chiếc tàu sân bay thứ 3 hay không, Yang nói “chưa thể tiết lộ được gì” vì có rất nhiều yếu tố cần phải được cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Trong một báo cáo công bố đầu năm 2015, Lầu Năm Góc cho rằng Bắc Kinh sẽ đóng nhiều tàu sân bay trong vòng 15 năm tới. Tàu sân bay Liêu Ninh được cho là đang thực hiện các chương trình huấn luyện nhưng dường như vẫn chưa sẵn sàng hoạt động đầy đủ.

Vân Sơn - Tham khảo Business Insider