Bê bối khí thải vừa qua của Volkswagen là ví dụ điển hình của câu “đi đêm lắm có ngày gặp ma”. Hãng xe danh tiếng mất mát nặng nề khi các thủ thuật lừa đảo bị phơi bày trước ánh sáng.

Mức phạt dành cho Volkswagen trong vụ bê bối này có thể lên tới 18 tỷ USD. Chưa kể nguy cơ bị điều tra hình sự ở Mỹ và khách hàng tẩy chay. Hiện một loạt quốc gia khác cũng đã tiến hành điều tra riêng rẽ đối với Volkswagen. Tổng số xe bị ảnh hưởng trong vụ bê bối này trên phạm vi toàn cầu có thể lên tới 11 triệu chiếc.

Tuy nhiên, hãy lật lại xem tại sao Volkswagen có thể che đậy các hành vi vi phạm trong khoảng thời gian lâu như vậy mà không bị sờ gáy. Liệu Volkswagen có phải là công ty duy nhất tại Mỹ vướng vào rắc rối như trên?

Hệ thống lỏng lẻo

Trong nhiều năm, các nhà sản xuất xe hơi đã lợi dụng hệ thống đo đạc khí thải lỏng lẻo tại Mỹ và châu Âu.

Hiện giờ tại Mỹ, các nhà sản xuất sẽ tự đo đạc sản phẩm của công ty mình và gửi kết quả đến Cơ quan bảo vệ môi trường (EPA). Tại đây, các kỹ sư sẽ soát xét báo cáo và đóng dấu.

Bản thân cơ quan này cũng thực hiện các bài thử nghiệm độc lập và ngẫu nhiên, nhưng chỉ áp dụng đối với 10 – 15% mẫu xe mới. Trên thực tế, phần lớn xe được thử không được tiêu thụ ngoài thị trường.

Cơ chế thử nghiệm dễ dãi này làm nảy sinh nhiều vấn đề, trước cả vụ ồn ào của VW. Năm 2013, Consumer Reports làm thống kê cho thấy 55% xe hybrid và 28% xe được tăng áp động cơ (turbocharged) tại Mỹ không đạt chuẩn tiết kiệm nhiên liệu của EPA.

Năm ngoái, Bộ Tư pháp Mỹ phạt Hyundai và Kia 350 triệu USD nhằm vào hành vi khai gian mức tiết kiệm nhiên liệu. Ford, Mercedes, Mini và nhiều hãng khác đã vội vã điều chỉnh mức tiết kiệm nhiên liệu trong 3 năm qua, thường do sức ép từ các vụ kiện tụng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tương tự tại châu Âu, các hãng cũng tự thử nghiệm xe hơi của mình và báo cáo với cơ quan chức năng. Không lâu trước khi vụ việc của VW vỡ lở, một nhóm hoạt động vì môi trường tại châu Âu đã công bố kết quả thử nghiệm độc lập đối với xe mang thương hiệu BMW, Mercedes và Opel. Báo cáo cho thấy mức đánh giá lượng khí thải trong phòng thử nghiệm và trên thực tế khác nhau một trời một vực.

Ủy ban châu Âu đã ra tuyên bố tất cả xe hơi sẽ phải trải qua bài thử lượng khí thải “trên thực tế”, bắt đầu từ ngày 2017.

Tự giác

Tuy nhiên, bất cứ cơ chế kiểm nghiệm nào cũng phụ thuộc vào “ý thức tự giác” của nhà sản xuất. Chính phủ không có đủ nhân lực và tài chính để kiểm tra từng chiếc xe bán ra thị trường.

Nhưng phạm vi quyền hạn của họ cho phép thắt chặt hệ thống kiểm soát nhiều lỗ hổng, thứ đã tạo điều kiện cho các nhà sản xuất lách luật.

Đầu tiên, EPA có thể cử kỹ sư tới các phòng thí nghiệm để theo dõi quá trình tuân thủ. Các hãng xe có nhiều thủ thuật để giảm chi phí sản xuất như sử dụng lốp tuổi thọ ngắn, gỡ gương chiếu hậu…, những thẩm định viên của EPA sẽ có trách nhiệm ngăn chặn các tiểu xảo này.

Ngoài ra, EPA có thể đảo ngẫu nhiên thời điểm kiểm tra và nội dung được kiểm tra để khiến các công ty không kịp đối phó.

Trong trường hợp của VW, chính sự “đều đặn” trong lịch trình kiểm tra của EPA đã giúp hãng xe có thời gian chuẩn bị. VW lắp một phần mềm đặc biệt vào những chiếc xe sử dụng nhiên liệu diesel. Đây là một đoạn lệnh lập trình được cài sẵn vào bên trong hệ thống điều khiển điện, giúp các xe này bật hết công suất hệ thống kiểm soát khí thải mỗi khi bị kiểm tra và tự động tắt đi khi xe chạy trong điều kiện bình thường.

Do vậy, xe sẽ thải ra liều lượng khí thải cao hơn từ 10 đến 40 lần mức cho phép theo quy định khị chạy ở điều kiện thực tế.

Giới chuyên gia nhận định câu lệnh mà VW sử dụng chỉ là một mẹo phần mềm đơn giản, do đó không quá khó khăn để phát hiện, nếu EPA chịu đầu tư vào tính năng kiểm tra máy tính của các phương tiện được lập trình.

Cuối cùng, để các biện pháp trừng phạt có tính răn đe, EPA có thể tăng cường mức độ xử phạt. Ví dụ, bất cứ công ty nào bị phát hiện gian lận sẽ bị tước quyền tự thử nghiệm sản phẩm trong vòng 2 – 3 năm. Kết quả là công ty đó sẽ phải thuê bên thứ ba độc lập tiếp hành kiểm tra, một quá trình tốn kém về chi phí.

Rõ ràng, VW là phía sai phạm trong vụ việc lần này và đang phải đối mặt với những hình phạt khắc nghiệt. Nhưng khi các nhà sản xuất khác cũng đánh bạc với hệ thống kiểm soát, còn giới chức Mỹ nhắm mắt làm ngơ, thì các bài kiểm tra khí thải và độ hiệu quả trong làng xe hơi Mỹ có thể được coi như những “bí mật bẩn thỉu” mà EPA cần dọn dẹp.

Theo Lê Phương - BizLive