Văn bản nêu rõ, các cơ sở sản xuất, lắp ráp xe ô tô phải triệu hồi sản phẩm trong các trường hợp: sản phẩm vi phạm các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành bắt buộc áp dụng cho đối tượng sản phẩm đó; Sản phẩm gây ra nguy hiểm về sinh mạng và tài sản do các lỗi kỹ thuật trong quá trình thiết kế, chế tạo; Sản phẩm dù chưa gây tổn thất về người và tài sản nhưng qua quá trình sử dụng có thể gây nguy hiểm trong một số điều kiện nhất định.

Ô tô bị triệu hồi nhưng không bị thực hiện sẽ bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Theo đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ căn cứ theo các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành, các thông tin, kết quả điều tra để xem xét và đưa ra quyết định buộc thực hiện triệu hồi sản phẩm.

Khi phát hiện lỗi kỹ thuật của xe đã bán ra thị trường, cơ sở sản xuất cần thực hiện các công việc: tạm dừng xuất xưởng sản phẩm của kiểu loại bị lỗi; thông báo tới các đại lý bán hàng yêu cầu tạm dừng; trong vòng 10 ngày kể từ khi phát hiện lỗi phải thông báo bằng văn bản đến Cục Đăng kiểm Việt Nam về nguyên nhân xảy ra lỗi kỹ thuật, biện pháp khắc phục, số lượng sản phẩm phải triệu hồi và kế hoạch triệu hồi cụ thể.

Sau thời gian không quá 30 ngày kể từ khi hoàn tất việc triệu hồi, cơ sở sản xuất phải báo cáo bằng văn bản về kết quả thực hiện việc triệu hồi tới Cục Đăng kiểm Việt Nam. Cơ sở sản xuất phải chịu mọi phí tổn liên quan đến việc triệu hồi sản phẩm kể cả chi phí vận chuyển.

Về phía Cục Đăng kiểm Việt Nam, cơ quan này yêu cầu gửi văn bản về kế hoạch khắc phục của cơ sở sản xuất; thông tin trên trang điện tử chính thức của Cục về sản phẩm bị triệu hồi; theo dõi việc thực hiện triệu hồi.