Mới đây, Công an huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) đã mời bà N.T.L (32 tuổi, ngụ xã Hòa An) lên làm việc do vừa lái xe, vừa hát karaoke.

Người phụ nữ vừa lái ô tô, vừa hát karaoke có thể bị xử lý ra sao?- Ảnh 1.

Hình ảnh bà N.T.L vừa lái xe vừa hát karaoke.

Sự việc xảy ra vào chiều 10-12. Bà L. đang lái ô tô 7 chỗ chở 5 người làm dịch vụ đám cưới từ thôn 2, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) về nhà ở huyện Krông Pắk.

Trên đường đi, mọi người mở iPad để hát karaoke. Bà L. được một người chuyển micro để hát. Trong lúc bà L. hát, người ngồi cạnh đã dùng điện thoại quay lại và phát trực tiếp lên mạng xã hội bằng tài khoản cá nhân của bà L.

Do hành vi vi phạm của bà L. xảy ra trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nên Công an huyện Krông Pắk sẽ hoàn tất hồ sơ để chuyển Công an tỉnh Đắk Nông xử lý theo thẩm quyền.

Liên quan thông tin trên, luật sư Phùng Huyền (Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+), đánh giá hành vi của bà L. đã gây nguy hiểm cho người đi đường, đáng lên án.

Hiện quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) chưa có chế tài xử phạt đối với hành vi hát karaoke hoặc sử dụng thiết bị điện tử khác.

Song pháp luật có chế tài dành cho người điều khiển xe ô tô mà sử dụng điện thoại di động theo điểm a khoản 4 điều 5 Nghị định Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP).

Theo đó, mức xử phạt cao nhất mà bà L. có thể gánh chịu là 3 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đến 3 tháng.

Như vậy, có thể một phần nguyên do khiến hiện tượng livestream ca hát, trò chuyện,… khi điều khiển ô tô trở nên phổ biến là do pháp luật chưa có những điều chỉnh phù hợp với thực trạng hiện tại.

Dù vậy, hành vi của bà L. vẫn nên được đánh giá là hành vi thiếu quan sát khi đang điều khiển ô tô và nếu gây tai nạn giao thông thì bà L. có thể bị xem xét xử phạt theo điểm a khoản 7 điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP). Theo đó, mức phạt tiền cao nhất mà bà L. có thể gánh chịu lên đến 12 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đến 4 tháng.

Chưa dừng lại, nếu hậu quả của tai nạn là nghiêm trọng thì người điều khiển phương tiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Mức hình phạt cao nhất đối với tội danh này có thể lên đến 15 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.

"Hãy có trách nhiệm trong việc điều khiển phương tiện là nguồn nguy hiểm cao độ, để đảm bảo an toàn cho người khác, cũng như bản thân mình" - luật sư Phùng Huyền nói.