Một trong những đặc điểm để nhận diện kiểu “người nghèo mới” này chính là trình độ học thức cao và chức danh không nhỏ.
Năm 1980, Giáo sư xã hội học Zygmunt Bauman đã nhắc tới khái niệm “người nghèo mới”. Ban đầu, cụm từ này được dùng để chỉ những người có tư duy tiêu dùng cũng như cách tiêu tiền chưa mấy đúng đắn, khiến họ không thể giữ được tiền.
Giờ đây, cùng với sự cải thiện của nền kinh tế, Zygmunt Bauman đã đưa ra một định nghĩa cụ thể hơn, chính xác hơn cho cụm từ “người nghèo mới”: Đây là những người có trình độ học vấn cao, có mức lương tốt - kiếm được nhiều tiền, nhưng không thể trang trải cuộc sống vì theo đuổi lối sống thượng lưu và đầu tư mù quáng.
Kiểu “người nghèo mới” này thường có vẻ bề ngoài hào nhoáng nhưng thực chất sức khỏe tài chính lại đang hấp hối. Họ không tiếc tiền sắm đồ hiệu, vung tay đầu tư nhưng lại không hiểu gì về việc phân bổ tài sản.
01
Năm 1971, sau khi Pam tốt nghiệp, cô thành công xin vào một công ty xuất nhập khẩu. Nhờ khả năng vượt trội của mình, cô sớm được thăng chức, từ thư ký lên giám sát kho hàng với mức lương hàng năm là 47.000 USD.
Cuộc sống dư dả cho phép Pam lui tới những nhà hàng cao cấp với tần suất hàng ngày, mà vẫn còn rủng rỉnh để sắm những món đồ hiệu xa xỉ. Pam thậm chí còn chi một năm tiền lương để mua một chiếc siêu xe.
Cuộc sống của Pam trước tuổi 40, nhìn chung, là thành đạt, viên mãn và rất đáng mơ ước. Tuy nhiên, chuyện này không kéo dài mãi.
Những năm gần đây, khi nền kinh tế đi xuống, công ty gặp khó khăn, trụ không nổi nên cuối cùng đã phải giải thể, công việc mang lại cho Pam nguồn thu nhập ổn định, dồi dào đã không còn. Không lâu sau đó, cô cũng ly hôn với chồng vì những bất đồng không thể hòa giải, một trong số là những khó khăn về tài chính.
Từ có tất cả trong tay, Pam trở thành người không có gì. Cô đã phải bán siêu xe, những món đồ hiệu để tiếp tục duy trì cuộc sống tiểu tư sản của mình và con trai. Tuy nhiên, phương án đó cũng chẳng phải nước đi đường dài.
Một người bạn từng hỏi Pam tại sao cô không thử hạ thấp mức sống của mình, mọi chuyện hẳn sẽ bớt khó khăn hơn. Nhưng thói quen chi tiêu phóng túng của Pam đã được duy trì nhiều thập kỷ, cô không thể chịu nổi cảm giác không có tiền để tiêu.
Thất nghiệp 18 tháng, Pam thở dài: “Tiền tiết kiệm của tôi đã dần cạn kiệt, tiền trợ cấp thất nghiệp không đủ để tôi chi trả các hóa đơn tài chính. Tôi sợ chết khiếp khi nghĩ tới cảnh mình vẫn tiếp tục thất nghiệp trong vài tháng tới” .
Pam chính là ví dụ điển hình của nhóm người nghèo mới trong xã hội ngày nay.
02
Nhiều người cho rằng người nghèo là người kiếm được ít tiền, người giàu là người kiếm được nhiều tiền. Tuy nhiên, đây là lối tư duy có phần thiển cận và không đúng trong bối cảnh, cuộc sống hiện tại. Thước đo cho sự giàu có hay sự nghèo đói không nằm ở mức thu nhập, mà nằm ở khả năng duy trì cuộc sống hiện tại, trong bối cảnh mất hoàn toàn thu nhập.
Ví dụ thế này: Gia đình số 1 kiếm được 15 triệu/tháng, gia đình số 2 kiếm được 20 triệu/tháng. Gia đình số 2 có giàu hơn gia đình số 1 không? Câu trả lời là chưa chắc!
Nếu gia đình số 1 chỉ 10 triệu/tháng và tiết kiệm 5 triệu, như vậy 1 năm họ sẽ để dành được 60 triệu; và có thể duy trì được cuộc sống trong 6 tháng liên tiếp trong trường hợp thu nhập hoàn toàn bằng 0.
Trong khi đó, nếu gia đình số 2 tiêu 18 triệu/tháng và tiết kiệm 2 triệu, như vậy 1 năm họ sẽ để dành được 24 triệu. Trong trường hợp thu nhập hoàn toàn bằng 0, họ thậm chí không sống nổi 2 tháng.
Như vậy, có thể thấy gia đình số 2 đã rơi vào nhóm “người nghèo mới”. Họ kiếm được nhiều tiền, nhưng cũng tiêu nhiều tiền. Dù thu nhập của gia đình số 2 cao hơn thu nhập của gia đình số 1, nhưng khả năng duy trì mức sống của họ lại chẳng bằng gia đình số 1 trong trường hợp cả hai gia đình đều không duy trì được nguồn thu nhập hiện tại.
Xét về lâu về dài, gia đình số 1 mới là gia đình có sức khỏe tài chính bền vững và ổn định hơn, dù thu nhập của họ hoàn toàn không bằng gia đình số 2.
03
Để không rơi vào nhóm người nghèo mới trong xã hội, chúng ta cần hiểu nguyên nhân sâu xa khiến điều đó xảy ra. Người ta viện ra vô số lý do để biện minh cho việc chi tiêu quá mức nhưng thực sự, chỉ có một lý do duy nhất: Thể hiện địa vị xã hội của bản thân thông qua việc tiêu dùng.
Những khoản chi lớn mà mọi người chi tiêu quá mức thường là những khoản chi có thể nhìn thấy được, chẳng hạn như: Một căn biệt thự, chiếc "xế hộp" hạng sang, những chuyến du lịch xa hoa, quần áo/túi xách/trang sức hàng hiệu,...
Tất cả những món đồ ấy dường như thay bạn hét lên với cả thế giới: "Nhìn xem, tôi giàu có quá đây này!".
Nếu hàng xóm của bạn mua một chiếc BMW mới toanh, bạn có thể nhìn vào chiếc xe cà tàng đã gần 20 năm tuổi của mình và thở dài. Việc hàng xóm có chiếc xe mới có thể sẽ thôi thúc bạn mua một chiếc ô tô mới tốt bằng hoặc thậm chí tốt hơn chiếc BMW của hàng xóm.
Cứ như vậy, của cải, tài sản của bạn sẽ dần hao hụt đi, chẳng còn lại gì mấy. Bạn tự đưa mình vào nhóm người nghèo mới trong xã hội vì lạm phát lối sống. Sự cám dỗ lạm phát trong lối sống luôn tồn tại, bạn không kháng cự được, bạn sẽ nghèo đi. Hàng hiệu, xe sang, biệt thự cuối cùng cũng chỉ là những món đồ bạn phải bán tháo để lấy tiền trang trải cuộc sống nếu không may biến cố xảy đến.