Trao đổi với báo chí, về đề xuất “mỗi công dân chỉ được cấp 1 biển số xe”, ông Nguyễn Hữu Trí - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết: “Một biển hay nhiều biển không ảnh hưởng gì tới công tác đăng kiểm, có nhiều cách để nhận diện xe chứ không nhất thiết phải là biển số. Trên cơ sở số khung số máy của xe, đăng kiểm viên có thể tiến hành đăng kiểm dễ dàng".

Ông cũng đưa ra ý kiến, nếu thực hiện cấp 1 biển số xe thì phải xây dựng 1 hệ thống dữ liệu liên thông giữa cơ quan đăng ký và cơ quan đăng kiểm để trích xuất thông tin cần thiết về phương tiện, chủ xe.

“Hiện nay mua bán xe cũ thực hiện xong nhưng không đồng thời với việc sang tên chuyển chủ, vì vậy khi xe được mang đến đăng kiểm không biết ai là chủ mới của chiếc xe. Cấp 1 biển số sẽ xác định chính chủ xe và khắc phục được tình trạng xe không chính chủ”,  ông Trí cho hay.

Nói về vấn đề tiêu cực có thể xảy ra nếu thực hiện đăng kiểm nhiều xe sử dụng chung 1 biển số, ông Trí cho rằng, dù là 1 biển nay nhiều biển, khi cố tình vi phạm, cố tình làm sai các quy định thì sẽ xảy ra tiêu cực. Cục Đăng kiểm sẽ tiếp tục siết chặt các quy định để loại bỏ các vấn đề tiêu cực trong hoạt động đăng điểm.

Trong khi đó, đề xuất trên vẫn đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều, trao đổi với Đất Việt, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng ý tưởng mỗi người chỉ được sở hữu 1 biển số xe ô tô được đưa ra xuất phát từ việc 1 số nước tiến hành đấu thầu biển số xe, cấp biển số xe suốt đời.

“Ở Trung Quốc, biển số xe ở nội thành Bắc Kinh chỉ có 1 số biển và hàng năm cấp thêm cho 1 số xe khác. Tức là xe ở ngoại tỉnh không được phép lưu hành tại Bắc Kinh.

Trung Quốc ở gần ta đã có chuyện như thế. Người ta khống chế số lượng xe hoạt động trong nội thành Bắc Kinh. Tuy nhiên ở Việt Nam phải xem xét thận trọng, mọi khía cạnh của đời sống xã hội”, ông Liên dẫn chứng.

Tiếp tục phân tích, ông Liên nhấn mạnh, Bộ Tư pháp có nói quyền sở hữu của người dân được Hiến pháp thừa nhận. Tuy nhiên trong điều kiện hệ thống giao thông hạ tầng tại Việt Nam còn nhiều hạn chế thì việc cơ quan quản lý nhà nước hạn chế xe ôtô cá nhân hay hạn chế từng tuyến đường là việc cần thiết.

“Không thể nói là xâm phạm quyền cá nhân. Quyền cá nhân phải phù hợp với lợi ích của toàn dân. Chúng ta có thể cho người dân mua 100 chiếc xe ôtô nhưng phải giữ ở trong nhà, ra đường chỉ cho chạy 1 xe thôi.

Đến taxi là loại hình vận tải hành khách công cộng từ lâu người ta cũng phải hạn chế nên xe gia đình lại càng phải hạn chế hơn. Nhưng việc này phải đúng luật”, ông Liên nhấn mạnh.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Quang Toản - Nguyên chủ nhiệm khoa cầu đường, ĐHGTVT khẳng định, trong giai đoạn hiện nay đề xuất trên có thể được xem là một phương án tốt.

Theo ông Toản, hiện nay số người Việt Nam sở hữu từ 2-3 xe ô tô cùng một lúc không nhiều, nếu có chỉ dừng lại ở những gia đình có điều kiện, đại gia. Vì vậy quy định trên sẽ không tác động quá nhiều đến đời sống người dân,

Đặc biệt, ông Toản khẳng định, việc mỗi người dân sở hữu một biển số xe ô tô và có tài khoản cá nhân sẽ giải quyết được nhiều khó khăn hiện nay.