Theo thống kê từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Mazda CX-5 lần đầu vươn lên vị trí dẫn đầu doanh số trong phân khúc từ năm 2014 với 2.931 xe bán ra. Trong 3 năm, từ 2015 đến 2017, mẫu crossover của Mazda tiếp tục duy trì vị thế, lập kỷ lục 9.017 xe trong năm 2017.

Riêng quý I/2018, THACO bán được 3.372 xe Mazda CX-5, nâng doanh số cộng dồn từ khi ra mắt đến nay cán mốc 30.000 chiếc. 

Tiết kiệm nhiên liệu

Lý giải sự thành công của Mazda CX-5 tại Việt Nam - Ảnh 1.

Khi một chiếc ô tô vẫn là tài sản lớn đối với người dân Việt Nam, yếu tố tiết kiệm nhiên liệu luôn được quan tâm hàng đầu. Công nghệ SkyActiv của Mazda đã góp phần thực hiện được điều đó.

CX-5 là mẫu xe duy nhất trong phân khúc sử dụng động cơ nạp khí tự nhiên, kết hợp phun xăng điện tử trực tiếp, áp suất cao, giúp tăng công suất 15%, đồng thời tiết kiệm nhiên liệu 15%. Công nghệ i-Stop tự động ngắt động cơ cũng góp phần giảm lượng nhiên liệu tiêu thụ, khí thải và tăng độ bền cho máy.

Nội thất rộng rãi

Lý giải sự thành công của Mazda CX-5 tại Việt Nam - Ảnh 2.

Khoang cabin xe Mazda CX-5 cung cấp đủ không gian cho 5 người ngồi. Xe có kích thước tổng thể dài x rộng x cao 4.550 x 1.840 x 1.680 mm, chiều dài cơ sở 2.700 mm - lớn nhất phân khúc. Khoang hành lý cũng được đảm bảo kích thước để chở đồ cho những chuyến đi xa.

Tuy nhiên, nhiều đối thủ của Mazda CX-5 hiện nay đã có cấu hình 7 chỗ ngồi như Honda CR-V, Nissan X-Trail hay cả Mitsubishi Outlander. 2 chỗ ngồi ở hàng ghế thứ 3 tuy không quá tiện lợi nhưng lại là cách "chữa cháy" cần thiết ở những chuyến đi phát sinh có nhiều hơn 5 người - điều mà Mazda CX-5 chưa thể có được.

Nhiều tiện nghi

Lý giải sự thành công của Mazda CX-5 tại Việt Nam - Ảnh 3.

Ở phía ngoài, Mazda CX-5 được trang bị đèn chiếu sáng LED, vành 19 inch và cốp mở điện. Bên trong, hệ thống giải trí đa thông tin đến từ màn hình 7 inch, cụm nút xoay điều khiển Mazda Connect, âm thanh Bose 10 loa cao cấp, phanh đỗ điện tử, đề nổ nút bấm, ghế chỉnh điện và có nhớ vị trí…

Nếu được nhập khẩu giống với phiên bản ở Thái Lan, Honda CR-V sẽ vượt trội lên phân khúc nhờ tính năng mở cốp bằng đá chân. Đáng tiếc, liên doanh Nhật Bản lại bỏ đi trang bị này. 

Trong khi đó, Nissan X-Trail sở hữu cửa sổ trời duy nhất trên phân khúc. 

Công nghệ an toàn

Lý giải sự thành công của Mazda CX-5 tại Việt Nam - Ảnh 4.

Không thể phủ nhận Mazda CX-5 đang nắm giữ nhiều công nghệ an toàn chủ động nhất nhờ gói i-Activsense, từ cảnh báo điểm mù, cảnh báo chệch làn đường, hỗ trợ giữ làn đường đến cảnh báo phương tiện cắt ngang. Các tính năng nổi trội khác có cân bằng điện tử, hỗ trợ khởi hành ngang dốc, cảm biến trước/sau và camera lùi…

Với những trang bị này, Mazda CX-5 hoàn toàn có thể cạnh tranh được với Nissan X-Trail đang sở hữu nhiều công nghệ bậc nhất phân khúc. Tuy vậy, doanh số của X-Trail lại chưa thể khởi sắc bằng đối thủ đồng hương. 

G-Vectoring Control

Lý giải sự thành công của Mazda CX-5 tại Việt Nam - Ảnh 5.

GVC là công nghệ Mazda áp dụng cho các mẫu xe mới, giúp việc vận hành ổn định hơn. Nguyên lý hoạt động là GVC dựa trên tác động của người vào vô lăng như góc đánh lái, tốc độ đánh lái, từ đó điều chỉnh mô-men xoắn đầu ra của động cơ chủ động. Việc điều khiển xe nhịp nhàng và chính xác hơn. Sự thay đổi gia tốc diễn ra không quá đột ngột, nâng cao sự thăng bằng và ổn định của người ngồi.

Công nghệ GVC thậm chí hoạt động hiệu quả hơn trong điều kiện mặt đường trơn trượt, ít độ bám như lúc trời mưa, hay bề mặt đường xấu. Lốp xe luôn bám đường trong nhiều tình huống.

Đa dạng phiên bản

THACO phân phối 3 phiên bản Mazda CX-5, gồm 2.0L 2WD (1 cầu); 2.5L 2WD (1 cầu); và 2.5L AWD (2 cầu). Sự phân bổ các tính năng trên các phiên bản đồng đều với sự chênh lệch trong giá bán.