Sức mạnh “bó đũa” - cơ hội trong khó khăn của taxi truyền thống

Hiện, có hơn 70 hãng taxi truyền thống với hơn 19.000 đầu xe đang hoạt động tại Hà Nội. Tuy nhiên, hãng taxi lớn nhất tại Hà Nội chỉ có hơn 1.000 đầu xe thấp hơn nhiều so với Grab. Chính vì sự hoạt động nhỏ lẻ, manh mún khiến taxi truyền thống khó cạnh tranh do chưa đủ số lượng xe để phục vụ và đáp ứng nhanh nhất yêu cầu của khách hàng.

Cuộc cách mạng 4.0 và cuộc chạy đua dịch vụ, khuyến mại khiến taxi công nghệ cao đang dần chiếm ưu thế. Đặc biệt, khi Grab “thôn tính” Uber trở thành đơn vị độc quyền thì cuộc chiến càng trở nên không cân sức với taxi truyền thống.

Nhận thấy công nghệ và chất lượng dịch vụ là xu hướng tất yếu của thời đại, các doanh nghiệp taxi truyền thống dần chuyển mình để thay đổi như: Giảm giá cước, đầu tư vào chặng cố định giá hợp lý, đầu tư mô hình mới đi taxi chung… Tuy nhiên, những động thái đó với đi vào thị trường ngách chưa để lại nhiều dấu ấn. Trong cuộc chiến lớn để lấy lại sự cân bằng giữa taxi truyền thông và taxi công nghệ cao cần phải có sức mạnh lớn từ sự hợp lực của số đông.

Các doanh nghiệp taxi truyền thống vẫn có cơ hội tận dụng lợi thế trên sân nhà để phá vỡ thế độc quyền của Grab nhờ đưa ra chính sách, dịch vụ tốt, phát triển công nghệ mới để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, tài xế.

Hé lộ chân dung “ông lớn taxi” ở thủ đô với triết lý thay đổi để tồn tại và phát triển

Vừa qua, giới tài xế và đầu tư ở Hà Nội xôn xao thông tin hãng G7 taxi ra đời. Đơn vị này lựa chọn các hãng taxi lớn, chất lượng tốt, tài chính lành mạnh tại Hà Nội để hợp tác đầu tư và xây dựng một thương hiệu taxi lớn nhất tại Hà Nội. Nhờ tập hợp các hãng có thương hiệu lớn, lượng khách ổn định, người lái tốt, G7 taxi tự tin có thể cạnh tranh sòng phẳng và phá vỡ thế độc quyền của Grab.

Theo đó, G7 taxi với tiềm lực tài chính, sẵn sàng đầu tư tài chính và công nghệ để phát triển ngành taxi còn nhiều tiềm năng tại Việt Nam. Theo thông tin phóng viên báo tìm hiểu được, hiện có 5 hãng taxi lớn tại Hà Nội đã đạt được thỏa thuận cơ bản để hợp tác với G7 taxi. Hiện tại, G7 taxi đang đàm phán các điều khoản chi tiết với lãnh đạo các hãng taxi này.

Ông Khổng Văn Thắng, Trưởng phòng Truyền thông và Thương hiệu của G7 taxi, ngay từ khi thành lập, G7 đã là thương hiệu taxi có số lượng xe lớn nhất tại Hà Nội, gấp gần 2 lần đơn vị đứng thứ 2. Với lượng phương tiện vượt trội, G7 taxi có thể phủ toàn bộ các quận nội thành Hà Nội với thời gian phục vụ nhanh nhất, nâng khả năng phục vụ lên 98%, khách hàng gọi là có xe và thời gian chờ là ngắn nhất. G7 taxi sẽ được đầu tư tài chính để phát triển thương hiệu, khuyến mại lớn cho khách hàng và phát triển công nghệ đặt xe hiện đại. Từ đó, tiêu chuẩn chất lượng, dịch vụ, khả năng phục vụ khách hàng của G7 taxi cũng hiệu quả hơn.

Cùng với đó, tài xế các hãng tham gia G7 taxi vẫn được đảm bảo quyền lợi của người lao động như trước đây và dự kiến tăng thu nhập lên tới 20% nhờ lượng khách gia tăng và giảm km chạy rỗng, từ đó tiết kiệm được thời gian và chi phí. Được tài xế khác truyền tai thông tin về G7 taxi, anh Nguyễn Văn Nam, tài xế một hãng taxi lớn tại Hà Nội, chia sẻ: “Khi mà tài xế đang lo ngại cho tương lai của mình thì đây là tin vui cho cánh lái xe chúng tôi. Khi có một đối trọng đủ lớn với taxi công nghệ và phá vỡ thế độc quyền của Grab thì chúng tôi mới có tiếng nói, được đảm bảo quyền lợi và yên tâm làm việc”.

Để trở thành hãng taxi có độ phủ và chất lượng dịch vụ cao, G7 xác định lấy con người - tài xế lái xe trực tiếp phục vụ khách hàng - làm trọng tâm. Đại diện G7 cho biết: “G7 taxi sẽ có những chính sách đảm bảo quyền lợi và tăng thu nhập của lái xe. Bởi lái xe có thu nhập tốt, chính sách lao động đảm bảo thì mới yên tâm làm tốt công việc của mình. Vì vậy, G7 ra đời không chỉ là cơ hội để taxi truyền thống lấy lại thị trường của mình mà còn là cơ hội để tài xế lái xe tăng thu nhập và ổn định cuộc sống”.