Không chấp nhận hình phạt này, người phụ nữ Trung Quốc liền nộp đơn lên tòa để làm rõ đầu đuôi sự việc.
Cô Vương 40 tuổi, sống tại thị trấn Tiêu Hà, thành phố Tầm Dương, tỉnh Giang Tây (Trung Quốc). Gia đình cô có một chiếc ô tô 7 chỗ, thường được sử dụng để đưa đón con cái và đi du lịch.
Vào cuối tháng 10 năm 2021, vì tiện đường nên cô Vương đồng ý đưa đón con của một vài người hàng xóm đi học mà không lấy tiền. Cứ mỗi sáng thứ 2, cô Vương lại chở con và 5 đứa trẻ quanh nhà đến trường rồi đón chúng về nhà vào tối thứ 6. Phụ huynh của các cháu thường cho con tập trung tại nhà cô Vương vào lúc 7h sáng, sau đó xe di chuyển bằng đường cao tốc để kịp giờ đến trường.
Để cảm ơn cô Vương, phụ huynh của 5 cháu nhỏ quyết định mỗi người gửi cô 50 NDT (khoảng 170 nghìn đồng) cho một lần đưa đón. Trên đường đi, cô Vương cũng thường xuyên mua đồ ăn cho những đứa trẻ phòng khi đói bụng.
Đến cuối tháng 12 năm 2021, khi đang đưa 6 đứa trẻ về nhà, cô Vương bị nhân viên Cục Quản lý giao thông vận tải Trung Quốc chặn lại và tịch thu phương tiện. Họ nghi ngờ cô đang thực hiện hoạt động vận tải bất hợp pháp nên đưa ra hình phạt hành chính 30.000 NDT (khoảng 103 triệu đồng).
Dù đã giải thích toàn bộ sự việc nhưng cô Vương vẫn phải trả khoản tiền phạt 30.000 NDT. Vì quá bức xúc, cô Vương đã quyết định nộp đơn lên tòa án Tòa án Vận tải Đường sắt An Khang, yêu cầu Cục Quản lý giao thông vận tải Trung Quốc rút lại hình phạt.
Phía Cục Quản lý giao thông cho rằng, dựa trên mô tả của 3 nhân viên làm việc tại hiện trường và hồ sơ ghi chép của cơ quan thực thi pháp luật, có đủ bằng chứng chứng minh cô Vương chở 6 hành khách mà không có giấy phép vận tải đường bộ. Hành vi của cô đã vi phạm Điều 10 Quy chế vận tải đường bộ Trung Quốc và là hoạt động trái pháp luật Trung Quốc.
Tại phiên tòa, phụ huynh của những đứa trẻ cũng có mặt để làm chứng cho việc cô Vương được bạn bè, hàng xóm xung quanh nhờ đưa đón con đi học. Họ thừa nhận bản thân cũng chủ động gửi tiền cho cô để chi trả phí xăng xe và cầu đường.
Theo Điều 44 Luật Xử phạt hành chính Trung Quốc: Trước khi ra quyết định xử phạt hành chính, cơ quan hành chính phải thông báo cho các bên về nội dung, tình tiết, lý do, căn cứ của hình phạt và quyền hợp pháp của mình đối với việc xử phạt vi phạm hành chính,...
Đối với vụ việc này, tòa cho rằng Cục Quản lý Giao thông đã không thể chứng minh bằng các bằng chứng rằng họ đã đáp ứng các quy định trên trước khi áp dụng mức phạt hành chính đối với cô Vương. Do đó, quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Cục Quản lý giao thông vận tải là không hợp lệ.
Thứ hai, hoạt động vận tải đường bộ mang tính chất thương mại chủ yếu nhằm mục đích lợi nhuận và lợi nhuận thu được bằng cách cung cấp dịch vụ vận tải cho các đối tượng không xác định. Ngoài ra, lợi nhuận cần phải được đánh giá một cách toàn diện thông qua thời gian vận chuyển, chi phí vận chuyển, quan hệ nhân sự,... chứ không thể sử dụng chi phí là tiêu chí duy nhất.
Theo đó, cô Vương chưa từng có tiền án bị điều tra về hành vi hoạt động trái phép. Cô được người thân, bạn bè và hàng xóm tin tưởng giúp đỡ đưa con đi học. Đồng thời, cô Vương không cung cấp dịch vụ vận chuyển cho các đối tượng khác không xác định mà chỉ đưa đón con cái của người thân, bạn bè, hàng xóm. Hoạt động này của cô Vương cũng không làm rối loạn trật tự hoạt động vận tải. Do đó, Cục Quản lý giao thông vận tải không có đủ căn cứ để đưa ra quyết định xử phạt 30.000 NDT đối với cô Vương.
Ngoài ra, tinh thần tương thân, tương ái và giúp đỡ lẫn nhau là đức tính truyền thống của Trung Quốc. Tòa án xét thấy hành vi của cô Vương thể hiện sự rõ sự quan tâm, chia sẻ với hàng xóm láng giềng, từ đó đóng góp tích cực vào sự phát triển của xã hội.
Sau khi xét xử, tòa án cho rằng quyết định xử phạt hành chính của Cục Quản lý giao thông vận tải đối với cô Vương là không đủ căn cứ, áp dụng sai luật và vi phạm thủ tục pháp lý nên đã bị thu hồi. Sau khi tuyên án sơ thẩm, không có bên nào kháng cáo và bản án đã có hiệu lực pháp luật.