Người phụ nữ Trung Quốc bất ngờ nhớ ra mình đã đặt cọc mua xe từ nhiều năm trước nhưng không mua.
Mới đây, đài truyền hình địa phương ở Trung Quốc đưa tin về tranh cãi liên quan đến tiền đặt cọc xe hơi của người phụ nữ họ Bành. Người này cho biết, bà đã cọc 50.000 NDT (hơn 170 triệu đồng) để mua một chiếc BMW tại cửa hàng ở Trịnh Châu vào năm 2014.
Thế nhưng khi đó cửa hàng không có sẵn mẫu xe bà muốn nên nhân viên hẹn bà Bành quay lại sau. Một tuần sau, bà Bành cần huy động vốn để kinh doanh nên không còn tiền mua xe. Khi người phụ nữ này báo lại cho cửa hàng, nhân viên cho biết bà có thể quay lại lấy xe và trả khoản tiền còn lại bất kỳ lúc nào.
Cuộc sống trải qua nhiều biến cố khiến 8 năm sau, bà Bành mới đột nhiên nhớ ra khoản tiền cọc mua BMW. Lúc này, người phụ nữ đã có đủ tiền mua xe nhưng nhân viên cho biết bà không thể sử dụng số tiền đã đặt cọc trước đó vì đã bị trừ hết do bồi thường vi phạm hợp đồng.
Theo hợp đồng ban đầu, sau thời gian nhận xe quy định, cứ mỗi ngày bên mua chậm trễ trong việc thanh toán khoản tiền mua xe thì cửa hàng có quyền đòi bồi thường 0,05% giá trị chiếc xe. Như vậy, tiền cọc của bà Bành đã bị trừ hết do “quên” không mua xe trong thời hạn thanh toán.
Bà Bành đã đăng tải thông tin vụ việc lên mạng xã hội để hỏi ý kiến cư dân mạng về cách xử lý, gây xôn xao dư luận địa phương. Từ góc độ pháp lý tại Trung Quốc, hành động của cửa hàng bán xe là có cơ sở và nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của bên bán, bên mua đã ký nên phải tuân thủ.
Nhiều người cho rằng cửa hàng yêu cầu bồi thường theo hợp đồng là không sai nhưng đã thờ ơ trong việc chăm sóc khách hàng, nhắc nhở khách về thời hạn thanh toán và giao xe. Đặc biệt là lời giải thích “có thể lấy xe bất kỳ lúc nào” từ nhân viên cùng việc không chú ý đến điều khoản trong hợp đồng có thể đã khiến bà Bành hiểu lầm. Trong khi đó một số cư dân mạng cảm thấy khó tin về việc bà Bành quên khoản tiền đặt cọc gần 200 triệu đến 8 năm.
Nhận thấy phản ứng trái chiều trên truyền thông, phía cửa hàng bán xe đã liên hệ với bà Bành và đồng ý gia hạn quyền sử dụng tiền đặt cọc 50.000 NDT thêm 2 tuần. Người phụ nữ này có thể trả số tiền mua xe còn lại để nhận xe, nhưng không được chuyển nhượng cho người khác.
Cách giải quyết này của cửa hàng xe đã nhận được sự ủng hộ và phản ứng tích cực từ những người theo dõi vụ việc. Cửa hàng này cho biết sẽ cải thiện trong việc quản lý và chăm sóc khách hàng, tránh xảy ra tranh chấp tương tự trong tương lai. Còn về phía bà Bành, người phụ nữ này lên tiếng nhắc nhở mọi người nên chú ý đọc kỹ các điều khoản hợp đồng trước khi đặt bút ký, đồng thời có sự trao đổi với bên bán khi gặp vấn đề để 2 bên thống nhất phương án giải quyết hiệu quả.
Việc mua bán tài sản rồi “quên” cũng gây ra không ít rắc rối cho chính chủ. Vào năm 2020 người phụ nữ họ Trương ở Thâm Quyến (Trung Quốc) phát hiện căn nhà cô đã mua 28 năm rồi bỏ “quên” không ở lại có người sống. Người này bị lừa chuyển khoản toàn bộ số tiền mua nhà của cô Trương mà không nhận được giấy tờ, vì đã hết tiền nên vẫn sống tại đây 10 năm mà không bị ai đòi.
Tuy nhiên khi được yêu cầu chuyển đi, người đàn ông lại đòi chủ căn nhà 200.000 NDT (gần 700 triệu đồng) chi phí cải tạo nhà. Gia đình chủ nhà phải nhờ đến luật sư hỗ trợ, sẵn sàng truy cứu trách nhiệm pháp lý và bồi thường tiền thuê nhà thì người sống trái phép mới chịu chuyển đi.