Vẫn lấy công nghệ làm thế mạnh, mẫu crossover 5+2 Nissan X-Trail điềm tĩnh hướng tới những giá trị riêng, không quá ồn ào như các đối thủ.
Không ngoa khi cho rằng crossover hạng C đang là phân khúc sôi động nhất tại Việt Nam khi những sản phẩm góp mặt đều có sự chuyển mình quyết liệt nhất từ trước tới nay nhằm vươn lên vị trí số 1.
Honda CR-V nâng cấp lên 7 chỗ, bổ sung hàng loạt trang bị và quan trọng hơn cả là chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu. Những tưởng tận dụng được thuế 0% nhập từ Thái Lan và sở hữu chất lượng xe nhập vốn được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng hơn, nhưng Honda CR-V vướng Nghị định 116 nên chưa tạo được cuộc lội ngược dòng như kỳ vọng.
Ngôi vương vẫn dành cho đối thủ lắp ráp trong nước là Mazda CX-5 khi gần như cùng lúc tung ra thế hệ mới với Honda CR-V. Lợi thế lớn nhất của Mazda CX-5 là thiết kế trẻ trung, dễ vừa lòng số đông và chính sách giá quyết liệt từ phía đơn vị phân phối là Trường Hải.
Sự vấp ngã của Honda CR-V sẽ là cơ hội để các mẫu xe vốn luôn nằm phía dưới top 2 có thể tiến lên. Đó là nhóm Nissan X-Trail, Mitsubishi Outlander và Hyundai Tucson. Cả 3 đều đã chuyển sang lắp ráp trong nước.
Sự yếu thế của Nissan X-Trail so với Top 2 trên phân khúc. Nguồn số liệu: VAMA. Đơn vị: chiếc. Đồ hoạ: Trần Đức.
Trong đó, đòn bẩy của Nissan X-Trail sẽ là công nghệ - thứ luôn được nhà sản xuất Nhật Bản quảng cáo đầu tiên mỗi khi đưa xe tới người tiêu dùng.
Camera 360 độ, cửa sổ trời panorama, hệ thống kiểm soát khung gầm chủ động, ghế lái không trọng lực, đèn chiếu sáng LED tự động hay cốp xe mở điện… khiến X-Trail chẳng ngại ngần khi được đưa ra so sánh thông số với các đối thủ.
Tuy nhiên, đã hơn một năm qua, quả bom công nghệ này vẫn... xịt. Doanh số không khởi sắc khi nhìn vào báo cáo hàng tháng của VAMA. Điều đó buộc Nissan phải tung thêm chương trình khuyến mại, giảm giá để kích cầu và mang yếu tố công nghệ tới gần hơn với người tiêu dùng. Câu hỏi hiện tại chỉ là: Người dùng Việt Nam có thực sự cần ngần đó công nghệ trên xe?
Để trả lời cho câu hỏi đó, chúng tôi chọn một chiếc Nissan X-Trail phiên bản 2.5 SV 4WD đồng hành trên hành trình Hà Nội - Ninh Bình và quay ngược lại để kiểm chứng.
Từ nhà ra phố
Hành trình của chúng tôi không quá thuận lợi ngay từ ban đầu. Lịch hẹn lấy xe được đẩy lùi sang gần chiều tối. Vấn đề đặt ra là sẽ để xe ở đâu đêm nay? Bãi xe gần nhà đã được đặt kín chỗ, còn nếu đưa xe vào nhà liệu có vất vả không, khi mà bình thường chỉ lùi chiếc Corolla Altis cũng đã mất vài đỏ (mỗi lần nhấp phanh).
Khá bất ngờ, chiếc X-Trail xoay chuyển trong ngõ nhỏ chưa bao giờ đơn giản đến thế. Camera 360 độ kích hoạt hiển thị như nhìn từ trên nóc xuống, hướng dẫn vệt bánh xe theo góc đánh vô-lăng nên có thể căn xe hoàn toàn tự tin. Thế là xong nhiệm vụ đầu tiên một cách dễ dàng.
Các dòng chữ tương tác với người dùng là tiếng Anh. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể hiểu được vì hình ảnh hiển thị khá rõ ràng.
Sáng hôm sau, chúng tôi khởi hành từ 7h để đi Ninh Bình. Đúng giờ cao điểm, từng dòng người chen chúc trên phố. Hở ra khoảng trống nào là xe máy lấp liền vào đó! Chính lúc đó lại thấy camera 360 độ thật cần thiết. Nhưng đáng tiếc thay, tính năng này chỉ kích hoạt khi vào số lùi, khá lãng phí đối với một hệ thống 4 camera xung quanh xe luôn trong trạng thái sẵn sàng.
Bước ra đường trường
Ra khỏi Hà Nội mới là lúc ưu và nhược điểm của chiếc Nissan X-Trail bộc lộ rõ. Khả năng cách âm khung vỏ khá tốt, hơn hầu hết các đối thủ trong phân khúc. Ở vận tốc 100 km/h, tiếng gió vẫn không lọt nhiều vào cabin. Điểm yếu về độ ồn lại đến từ lốp xe. Một khi đã vào đường xấu, tiếng rào rào vọng vào khoang xe rõ rệt.
Chuyển nhiệm vụ cầm lái cho đồng nghiệp, tôi ngồi ghế phụ, mở máy tính để hoàn thành nốt công việc buổi sáng. Hệ thống kiểm soát khung gầm chủ động (ACC), gồm tính năng kiểm soát vào cua, và phanh động cơ chủ động giúp chiếc xe ổn định tại mọi góc cua và mặt đường gồ ghề. Tác dụng của ACC thể hiện rất rõ khi ngồi máy tính nửa tiếng đồng hồ mà không hề có cảm giác nôn nao.
Là người bận rộn trong công việc và thường xuyên phải "ôm máy tính đi khắp mọi nơi" nên tôi đánh giá cao Nissan X-Trail ở khả năng cân bằng khi vận hành trên nhiều địa hình.
Hệ thống ACC trên X-Trail chủ động ở chỗ không lầm lì tự hoạt động như nhiều xe khác mà báo cho cả người lái biết độ ổn định của thân xe cụ thể ra sao. Từ mức chênh lệch bánh xe, độ nghiêng khung xe và góc cua… đều thể hiện trực quan ở màn hình phía trước người lái.
Sự kết hợp của các công nghệ ổn định thân xe đem đến sự tự tin đánh lái ở những đoạn cua gắt, bù lái cho chiếc vô-lăng có phần hơi lành và thiếu lanh lợi của chiếc X-Trail. Thân xe hướng theo đúng quỹ đạo con đường, trườn qua những đoạn mấp mô với độ ổn định tối ưu nhất. Nissan ví chiếc xe như một chú cá heo dưới nước khi ACC kích hoạt.
Nghỉ chân
Đến Ninh Bình, không khí trong lành. Lúc này, chiếc cửa sổ trời toàn cảnh được tận dụng để lấy gió mát. Chẳng mấy khi chúng tôi thoát khỏi sự bụi bặm của Hà Nội. Thời tiết chiều lòng người, ánh sáng ngập cabin. Còn gì thú vị hơn khi tắt máy nghỉ ngơi sau hành trình hơn 100 km và tranh thủ lướt qua nốt một chương trong cuốn Bố Già đang đọc dở.
Tính năng cửa sổ trời toàn cảnh sẽ thật lãng phí nếu bạn chỉ di chuyển trong phố. Nếu có, nó sẽ thực sự phát huy trong đợt cổ vũ bóng đá vừa qua mà thôi.
Nhiều người cho rằng cửa số trời là tính năng lãng phí và "chỉ tổ tăng giá". Tôi đồng ý một phần. Vì bản thân giao thông Việt Nam, nhất là nội đô, không quá tương thích với cửa sổ trời. Song, bạn cứ thử tưởng tượng cảnh, đôi khi, di chuyển vào buổi tối với người yêu, với vợ con hay chỉ đơn giản là bạn bè, bạn lái xe và họ được thư thái với bầu trời sao phía trên. Cũng đáng mà, phải không?
Nhào vào đường xấu
Crossover có cấu trúc unibody như X-Trail sinh ra không dành cho mục đích off-road giống SUV với body-on-frame nhưng vẫn linh hoạt được. Khác với AWD trên nhiều mẫu xe phải hoạt động 4 bánh liên tục, hệ dẫn động 4WD trên X-Trail có thể chuyển về một cầu hoặc sang hai cầu tuỳ ý, khoá vi sai trung tâm theo địa hình phù hợp để tối ưu khả năng và mức tiết kiệm nhiên liệu.
Khi đổ dốc lớn với đá lởm chởm, hệ thống hỗ trợ đổ đèo kết hợp phanh động cơ chủ động tiếp tục được kích hoạt. Độ chênh cao từng bánh lại sáng lên trên màn hình. Người lái làm chủ chiếc xe chỉ với thao tác liếc nhìn màn hình và chỉnh vô-lăng. Việc kiểm soát tốc độ đã có chiếc xe tự lo liệu.
Quay trở về nhà
Hành trình trở về hơn 100 km nhẹ nhàng hơn. Hàng ghế sau có đệm lưng mềm, ngả sâu và di chuyển được. Những đồng nghiệp của tôi đều nghỉ ngơi thoải mái sau khi đã thấm mệt. Riêng ở vị trí lái, ghế ngồi được Nissan gọi là không trọng lực, thiết kế theo nghiên cứu NASA đỡ lưng ổn, không gây mỏi nhưng chưa tạo nên cảm nhận khác biệt rõ rệt so với ghế bên phụ.
Về đến nhà, ngắm nhìn lại chiếc X-Trail một lần nữa, tôi mới thấy chiếc xe thật nam tính. Bộ kit Premium L tôn lên sự bề thế của xe. Bởi vậy, kiểu dáng chiếc crossover của Nissan có lẽ phù hợp với đàn ông hơn, và cũng sẽ không quá ngạc nhiên nếu các chị em chưa cảm thấy bắt mắt.
Nhìn chung, hầu hết công nghệ trên Nissan X-Trail đều hướng đến sự an toàn nên vẫn hữu ích cho đến hiện tại. Đặt lên bàn cân với các đối thủ mới ra mắt, X-Trail chẳng hề thua kém về độ ổn định khi vận hành; nhưng xét về lâu dài, Nissan vẫn cần làm mới X-Trail để tăng sức cạnh tranh, bởi thị hiếu đa số người Việt vẫn nghiêng về hình thức và tính năng giải trí.
Một số hình ảnh khác của chiếc Nissan X-Trail:
Ảnh: Trần Đức, Tới Nguyễn