Sự lên ngôi của CUV cỡ B và sự phát triển nhanh chóng của xe điện là nguyên nhân đẩy phân khúc A sụt giảm mạnh về doanh số lên tới 40% mỗi năm.
Cuộc đổi ngôi với CUV cỡ B
Trong giai đoạn 2020-2021, doanh số xe cỡ A đạt mức kỷ lục với hơn 45.000 xe/năm, chủ yếu nhờ vào các mẫu xe như Hyundai i10, Kia Morning, Toyota Wigo và đặc biệt là sự xuất hiện của VinFast Fadil.
Tuy nhiên, sang năm 2022, CUV cỡ B bắt đầu vượt mặt xe cỡ A. Doanh số xe cỡ A giảm mạnh từ 45.126 xe (2021) xuống còn 27.849 xe (2022), trong khi xe CUV cỡ B tăng mạnh từ 27.948 xe lên 46.386 xe trong cùng năm.
Các mẫu CUV cỡ B như Hyundai Creta, Kia Seltos… đang ngày càng được ưa chuộng nhờ vào không gian rộng rãi, tính năng vượt trội và gầm cao, mang đến cảm giác an toàn cho người lái, đặc biệt khi di chuyển trên các tuyến đường khó khăn. Mặc dù giá của CUV cỡ B chỉ cao hơn một chút so với xe cỡ A, nhưng những mẫu xe này lại đáp ứng tốt hơn nhu cầu di chuyển đa dạng của người tiêu dùng, đặc biệt ở các khu vực tỉnh lẻ và nông thôn.
Kẻ xâm lăng thầm lặng - xe thuần điện cỡ nhỏ
Sự nổi lên mạnh mẽ của xe điện như VinFast VF 5 và VF 3 càng đẩy nhanh sự suy giảm của phân khúc xe cỡ A. Mặc dù có kích thước tương đương nhưng xe thuần điện lại có nhiều ưu điểm vượt trội về chi phí sử dụng, bảo dưỡng và không phát sinh chi phí nhiên liệu cùng với thiết kế mới mẻ và khả năng tùy biến cao về mặt hình thức cũng như cấu hình trải nghiệm.
Ngoài ra, với chính sách bảo hành và hậu mãi hấp dẫn, xe điện ngày càng trở thành lựa chọn lý tưởng cho khách hàng. Doanh số bán của VinFast VF 5 và VinFast VF 3 trong năm 2024 đạt gần 8.000 chiếc, vượt qua tổng doanh số của các mẫu Kia Morning, Hyundai i10 và Toyota Wigo cộng lại, chứng tỏ xe điện đang thay thế dần xe cỡ A trên thị trường.
Người tiêu dùng đã nghĩ khác
Một yếu tố quan trọng khác khiến xe cỡ A bị mất thị phần là sự thay đổi trong nhu cầu của người tiêu dùng.
Trước đây, xe cỡ A được ưa chuộng nhờ giá cả phải chăng và tiết kiệm nhiên liệu. Tuy nhiên, với không gian nhỏ hẹp và thiết kế cũ kỹ, những mẫu xe này không còn phù hợp với các gia đình hay khách hàng cần xe cho những chuyến đi dài.
Các mẫu sedan cỡ B như Toyota Vios, Honda City và Hyundai Accent dù có giá cao hơn, nhưng lại cung cấp không gian rộng rãi và thiết kế hiện đại hơn, khiến xe cỡ A trở nên kém hấp dẫn hơn.
Bên cạnh đó, nhiều khách hàng sử dụng xe cho mục đích dịch vụ (như taxi hay xe công nghệ) cũng chuyển sang lựa chọn các mẫu xe sedan cỡ B thay vì xe cỡ A, bởi không gian thoải mái và khả năng di chuyển ổn định hơn.
Tương lai của xe xăng cỡ A: Khó khôi phục thị phần
Xe xăng cỡ A đang đối mặt với nhiều thách thức từ cả xe CUV cỡ B và xe thuần điện. Nếu không có sự cải tiến lớn về thiết kế, công nghệ và giá trị gia tăng, phân khúc này khó có thể duy trì được thị phần của mình trong tương lai. Dù vẫn có thể giữ được một thị phần nhỏ từ khách hàng mua xe lần đầu hoặc sử dụng cho mục đích dịch vụ, nhưng với sự chuyển dịch mạnh mẽ của thị trường, xe cỡ A có thể sẽ dần "biến mất" nếu không có sự thay đổi đáng kể.
Thị trường ô tô Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng, với sự chuyển hướng từ xe xăng sang xe điện và từ xe nhỏ gọn sang xe gầm cao. Nếu xe cỡ A không bắt kịp xu hướng mới và không có cải tiến, phân khúc này sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì sự cạnh tranh trong những năm tới.