Ngày hôm nay, Lei Jun - tỷ phú, đồng sáng lập của Tập đoàn Xiaomi đã tiết lộ chiếc xe điện đầu tiên của hãng. Ông cũng không ngần ngại tuyên bố tham vọng trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu toàn cầu trong 15 đến 20 năm và cạnh tranh trực diện với Tesla và Porsche AG.

SU7, viết tắt của Speed Ultra, sẽ được cung cấp năng lượng bởi pin của các công ty dẫn đầu thị trường Trung Quốc là Contemporary Amperex Technology Co. và BYD, tùy thuộc vào dòng xe có cấu hình động cơ đơn hay kép.

Bước đột phá về xe điện của Xiaomi là một cú đánh cược trị giá 10 tỷ USD của CEO và đồng sáng lập Lei Jun rằng công ty của ông có thể làm rung chuyển lĩnh vực vận tải giống như cách họ đã làm với điện thoại thông minh một thập kỷ trước. Là một nhà đầu tư mạo hiểm thành công với nhiều thương vụ, Lei đã coi xe điện là lần đặt cược kinh doanh cuối cùng của mình.

Nhưng trong thời gian kể từ lần đầu tiên công bố kế hoạch xe điện vào năm 2021, bối cảnh pháp lý và sự cạnh tranh ở Trung Quốc – thị trường ô tô lớn nhất thế giới – đã thay đổi đáng kể kế hoạch của Lei.

Bắc Kinh đã hạn chế giấy phép sản xuất đối với những công ty mới tham gia thị trường, điều đó có nghĩa là Xiaomi phải hợp tác với Công ty Tập đoàn Ô tô Bắc Kinh thuộc sở hữu nhà nước để sản xuất xe điện của mình. Các khoản trợ cấp của nhà nước hoàn lại cho người tiêu dùng số tiền lên tới 60.000 nhân dân tệ (8.440 USD) khi mua xe điện cũng đã kết thúc vào năm 2022. SU7 cũng đang cạnh tranh để giành được sự chú ý trong một thị trường có hàng trăm mẫu mã từ hàng chục thương hiệu.

"Mục tiêu của Xiaomi là tạo ra một chiếc ô tô trong mơ tốt như Porsche và Tesla", CEO Lei cho biết hôm thứ năm tại sự kiện ra mắt với sự tham dự của hàng nghìn người tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Trung Quốc.

Cú đặt cược 10 tỷ USD của Xiaomi: Chính thức ra mắt ô tô điện, CEO tự tin gọi là 'quái vật hiệu suất', sẽ sớm thành Tesla, Porsche của Trung Quốc - Ảnh 1.

Lei trước đó đã cho biết Xiaomi dự định SU7 sẽ cạnh tranh với Taycan Turbo của Porsche về hiệu suất và Model S của Tesla về tính năng công nghệ. Model S có giá khởi điểm 698.900 nhân dân tệ và Taycan ở mức 898.000 nhân dân tệ, cao hơn nhiều so với khung giá trung bình từ 200.000 nhân dân tệ đến 300.000 nhân dân tệ dự kiến của SU7.

Hiện Xiaomi vẫn chưa cho biết SU7 sẽ có giá bao nhiêu.

Theo Trung tâm Nghiên cứu và Công nghệ Ô tô Trung Quốc, Tesla đã bán được chưa đến 200 chiếc xe Model S tại Trung Quốc kể từ khi cải tiến mẫu xe này trong năm nay, trong khi Porsche đã giao khoảng 3.600 chiếc xe điện dòng Taycan tại nước này vào năm 2023.

SU7 sẽ được bán ra vào năm tới và sẽ đi kèm với động cơ có tốc độ 21.000 vòng quay một phút, mức cao hơn Model S và Taycan Turbo. Nhà máy của Xiaomi sử dụng phương pháp sản xuất gigacasting (công nghệ đúc siêu lớn) do Tesla đi tiên phong, phát triển một cỗ máy nặng 9.100 tấn mà họ gọi là hypercasting.

Xiaomi, từng được biết đến là nhà sản xuất điện thoại thông minh giá rẻ, đang nỗ lực duy trì tăng trưởng trong một thị trường toàn cầu ngày càng bão hòa và ổn định. Quý 3, công ty đã công bố doanh số bán hàng sụt giảm kể từ năm 2021. Giờ đây, họ đang tìm cách thách thức không chỉ các nhà sản xuất xe điện khác mà còn cả những đối thủ mới hơn như Huawei Technologies.

Lei cho biết ông đã lái 150 chiếc xe khác nhau kể từ khi cam kết sản xuất SU7.

Sau khi dòng xe mới được công bố, cổ phiếu của Xiaomi đã giảm 0,5% dù trước đó tăng 4,1% vào thứ tư.

Lei, người gọi SU7 là "quái vật hiệu suất" thông qua một bài đăng trên X. Ông cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với các đối thủ cạnh tranh trên mạng xã hội, bao gồm BYD, XPeng, Li Auto và Huawei, gọi họ là những người tiên phong trong ngành công nghiệp xe năng lượng mới của Trung Quốc.

Trong một bài đăng hôm thứ tư trên nền tảng truyền thông xã hội Weibo, Giám đốc điều hành của XPeng, He Xiaopeng, cho biết ông hoan nghênh Xiaomi gia nhập gia đình sản xuất ô tô và chúc công ty có doanh thu cao trong năm 2024.

Theo: Bloomberg