Trong bối cảnh thị trường ô tô ảm đạm, các nhà máy sản xuất xe tại Việt Nam buộc phải hạ thấp công suất, xuống chỉ còn 40% sản lượng tối đa có thể đáp ứng.
Theo Nikkei Asia, các nhà máy lắp ráp tại Việt Nam chỉ đang hoạt động với 40% công suất trong nửa đầu năm 2024. Cụ thể trong thời gian này, đã có khoảng 144.000 ô tô xuất xưởng từ các dây chuyền lắp ráp nội địa tại Việt Nam, giảm 3% so với một năm trước đó.
Theo nhận định của trang tin này, việc hạ thấp sản lượng là sự điều chỉnh cần thiết của các nhà sản xuất dựa theo thực tế trên thị trường ô tô Việt Nam hiện tại. Số liệu thống kê cho thấy, doanh số ô tô sản xuất nội địa Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024 đã giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mức giảm này sâu hơn so với mặt bằng chung tiêu thụ ô tô cả nước trong cùng kỳ. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), toàn thị trường Việt Nam đã tiêu thụ tổng cộng 134.884 ô tô các loại từ đầu năm, giảm khoảng 2% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó bao gồm 67.849 (50,3%) xe lắp ráp cùng với 67.035 (49,7%) xe nhập khẩu. Mặc dù doanh số ô tô có dấu hiệu phục hồi trong tháng 5 và tháng 6, nhưng con số chung của nửa đầu năm 2024 vẫn thấp.
Nhận định về diễn biến thị trường ô tô Việt Nam hiện nay, Tổng Giám đốc Honda Việt Nam Koji Sugita cho rằng sức mua ô tô tại Việt Nam đang chịu ảnh hưởng từ đợt suy thoái kinh tế, vốn đã kéo dài từ năm 2022.
"Nhu cầu mua sắm trong nhóm dân cư có thu nhập cao, tệp khách hàng chính của thị trường ô tô, vẫn chưa được phục hồi đầy đủ do tác động của cuộc suy thoái bất động sản đã diễn ra từ năm 2022", Nikkei Asia dẫn lời ông Koji Sugita.
Để đối phó với tình hình, các hãng và đại lý đã liên tục triển khai các chương trình khuyến mại để kích cầu, vực dậy doanh số. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đang yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu tác động, hoàn thiện, đề xuất Chính phủ nghị định về mức thu lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong tháng 7.
Tuy nhiên, dưới góc độ của nhà sản xuất, giám đốc Koji Sugita của Honda Việt Nam cho rằng giảm giá xe không phải lúc nào cũng là giải pháp tốt. Bởi lẽ điều này sẽ làm giảm giá trị tài sản của chủ sở hữu ô tô.
Bên cạnh đó, ông Sugita cho biết việc giảm giá xe để kích cầu trong thời điểm nhất định sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ xe trong tương lai, từ đó có thể dẫn tới những biến động khó lường.
Theo đánh giá Nikkei Asia, khách hàng Việt Nam dường như đã quen với các đợt giảm phí trước bạ từ Chính phủ trong nhiều năm qua, khiến cho chính sách này dần giảm bớt tính hiệu quả.
Cũng theo trang tin Nhật Bản, giá bán ô tô tại Việt Nam đang khá cao do phải chịu nhiều loại thuế phí khác nhau, trong đó bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt tương đương 35-150% giá trị xe. Nikkei Asia ước tính, giá xe ở Việt Nam đang cao hơn gần gấp đôi hai thị trường láng giềng là Thái Lan và Indonesia, khiến cho ô tô trở thành một mặt hàng xa xỉ.