Vào đầu tháng 6 vừa qua, cơ quan kiểm soát phương tiện cơ giới của chính phủ Đức với tên gọi KBA đã phát hiện ra phần mềm trái phép trên xe diesel Mercedes-Benz, dẫn tới nghi vấn rằng thương hiệu này đã gian lận hàng loạt trên nhiều dòng sản phẩm khác nhau. Bộ trưởng Bộ Giao thông Andreas Scheuer đã lên tiếng cảnh báo Daimler có thể phải đối mặt với khoản phạt lên tới 4,4 tỉ USD vì sự việc này do quy mô khá lớn của vụ việc (tầm 750.000 xe có thể bị ảnh hưởng). KBA cũng đã yêu cầu Daimler triệu hồi dòng van Vito sử dụng động cơ 1.6L diesel của Renault.

Xe Mercedes-Benz bị tố dùng thiết bị gian lận - Ảnh 1.

Dòng van Vito đã bị KBA yêu cầu triệu hồi diện rộng.

Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất được Reuters đăng tải, con số xe bị ảnh hưởng lên tới ít nhất 1 triệu chiếc, trong đó chủ yếu là các mẫu xe diesel chuẩn Euro 6 của Daimler. Chia sẻ với tờ Bild am Sonntag của Đức, phát ngôn viên Daimler cho biết họ đang hợp tác với KBA một cách minh bạch nhất có thể. Trước đó, tập đoàn này đã lên tiếng phủ nhận sự việc và cho rằng mình không làm gì sai.

Theo Daimler, họ tin rằng phần mềm mà mình sử dụng không trái với luật pháp bởi các dòng xe của họ không hề xả thải quá mức cho phép như những gì KBA công bố. CEO tập đoàn Dieter Zetsche cũng như ông Scheuer sẽ có buổi gặp mặt trong tuần này đã thương thảo vấn đề. Dù gì đi nữa, chắc chắc họ không muốn bước vào vết xe đổ của Volkswagen với scandal Dieselgate trước đó – sự việc đã khiến cả thế giới chấn động và xe diesel bị người tiêu dùng quay lưng tại nhiều thị trường lớn toàn cầu. 

Cho tới thời điểm hiện tại nghĩa là hàng năm trời từ khi sự việc bị phanh phui, các thương hiệu thuộc Volkswagen vẫn đang bị chính quyền Đức điều tra ráo riết.

Tham khảo: CarBuzz