TMT Motors và Let’s Go Taxi cam kết mở rộng dải sản phẩm trong chuỗi dịch vụ taxi điện cước phí rẻ hiện nay nhưng thách thức với loại hình kinh doanh này vẫn còn không ít.
Cơ hội “cục bộ”
Tối 27/12 tại thành phố Tuy Hoà (Phú Yên), TMT Motors và Let’s Go Taxi tổ chức tọa đàm về xu hướng sử dụng ô tô điện cỡ nhỏ làm dịch vụ vận tải hành khách tại các đô thị.
Trong buổi tọa đàm, ông Trần Lưu Văn, Tổng Giám đốc Let’s Go Taxi cho biết: “Trong 6 tháng kinh doanh vừa qua với cước phí 8.000 đồng/km, Let’s Go Taxi đã phát triển gần 300 xe tại Phú Yên và Bình Định. Trong đó, tỷ lệ xe hoạt động đạt tới 99%”.
Trong thời gian tới, dải sản phẩm của Let’s Go Taxi sẽ có thêm nhiều mẫu xe khác như Wuling Bingo, Mini EV Macaron và nhiều chủng loại khác. Ngay tháng 1/2025, những chiếc Wuling Bingo sẽ bắt đầu đi vào hoạt động với cước phí khoảng 9.000 đồng/km.
Cũng trong buổi tọa đàm, ông Bùi Quốc Công, Phó chủ tịch HĐQT TMT Motors cho biết, hãng xe này đang đàm phán với các đối tác để mang về những mẫu xe mini từ 2 đến 3 chỗ ngồi. TMT Motors và Let’s Go Taxi hướng tới mục tiêu giảm cước phí taxi xuống còn 5.000 đồng/km.
Trước đó, vào tháng 11/2024, Let's Go Taxi đã ký kết hợp tác với TMT Motors để mua 1.000 xe ô tô điện Wuling. Trong đó bao gồm 600 chiếc Wuling Mini EV và 400 chiếc Wuling Bingo, bàn giao tới quý I/2025.
Không ít thách thức
Theo ông Trần Lưu Văn, khi áp dụng cước phí 8.000 đồng/km, mỗi tài xế của Let’s Go Taxi sẽ có thu nhập chỉ khoảng 10 triệu đồng/tháng. “Con số đó là cao so với đời sống ở tỉnh thành này”, ông Văn chia sẻ.
Tuy vậy, con số trên lại tương đối thấp khi so với mức thu nhập trung bình của tài xế taxi ở các tỉnh khác, đặc biệt là những nơi có mật độ di chuyển cao như Khánh Hòa hay Gia Lai.
“Để giải đáp bài toán này, Let's Go Taxi phải tính kỹ lưỡng đến việc chia lợi nhuận giữa doanh nghiệp và tài xế sao cho phù hợp”, ông Văn cho hay.
Một nhược điểm khác của việc chạy taxi điện mini đến từ quãng đường di chuyển. Wuling Mini EV có tầm vận hành 170 km và phải mất trung bình 8 tiếng để có thể sạc đầy pin. Điều này vô hình chung khiến khung thời gian làm việc của các tài xế bị gò bó.
“Mọi ngày, tôi bắt đầu ngày làm việc lúc 6 giờ sáng rồi chạy đến giờ nghỉ trưa sẽ mang xe đi sạc nhồi thêm. Sau đó, tôi tiếp tục chạy đến ngưỡng pin 15% thì sẽ về nghỉ và cắm sạc qua đêm. Việc muốn chạy thêm vào tối muộn là điều rất khó bởi dung lượng pin không cho phép, nếu cố quá sẽ không đủ thời gian sạc và ảnh hưởng đến ngày làm việc tiếp theo”, anh Lê Văn Hòa chia sẻ.