Những chuyến xe có giá hàng chục triệu

Làm nghề lái xe taxi được 9 năm, anh Nguyễn Ngọc Khánh, ngụ tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội, nhận được cuốc xe "để đời" vào ngày 26 Tết Mậu Tuất: Chở khách từ Mỹ Đình đi Đà Nẵng. Khách hàng là một đôi vợ chồng già, không mua được vé máy bay vào giờ tốt, đành chấp nhận chạy xe riêng về quê.

Mức giá mà lái xe taxi này được trả lên tới 20 triệu đồng, chưa bao gồm phí cao tốc chiều về, và chỉ phải chở khách chạy một chiều. Khách cũng đài thọ cả chi phí nhà nghỉ tại nơi dừng chân, tiền ăn dọc đường.

"Làm một cuốc Tết bằng nửa tháng chạy thường", anh Khánh nói về chuyến xe đặc biệt ngày cuối năm. Chuẩn bị đồ dùng cần thiết gồm vài bộ quần áo, một phích nước giữ nhiệt, một bịch cà phê gói, kẹo bạc hà, khăn mặt, bình giữ đá lạnh, anh lên đường cùng khách vào sáng sớm ngày 28 Tết, với mục tiêu trước 15h chiều ngày 30 Tết phải có mặt tại điểm đến.

"Cánh lái xe không sợ chạy 10-12 tiếng một ngày trong phố thị, mà sợ nhất chạy đường dài, lại chạy xuyên đêm. Căng thẳng, mệt mỏi, buồn ngủ. Cứ nghĩ kiếm một cuốc xe chục triệu dễ dàng, nhưng thật lắm cơ cực".

Mỗi ngày, xe xuất phát từ 6h, chạy đến quá 12h trưa nghỉ ăn cơm, sau đó tiếp tục hành trình vào khoảng 14h cho đến đêm muộn. Anh Khánh chỉ tranh thủ chợp mặt được buổi trưa và khi đã đến nhà nghỉ, còn hai vợ chồng khách hàng ngủ bất cứ lúc nào trên xe.

Như nhiều cánh lái xe chuyến Bắc Nam, anh chọn cung đường dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh. Đường thẳng, có thể đi tốc độ cao, nhưng lại dễ khiến người điều khiển xe rơi vào trạng thái bị ru ngủ do ảo giác lặp lại liên tục của cảnh vật.

"Tôi chọn cách uống nhiều cà phê nóng đặc, ăn kẹo bạc hà, rửa mặt nước đá để giữ tỉnh táo. Một ngày rưỡi đầu tiên trôi qua dễ dàng, nhưng càng những giờ sau càng thấy mệt mỏi. Hai vai và khớp tay cứng lại vì ôm vô lăng, mắt căng, lưng mỏi, đầu óc đình trệ. Khách ngủ, mình không có ai để nói chuyện xua cơn buồn ngủ. Rất căng thẳng!

Đến nơi, khách được đón Tết bên người thân, còn mình chỉ gọi điện tranh thủ về cho gia đình báo an toàn. Sau đó kiếm ngay nhà trọ, ngủ hết nguyên ngày, rồi túc tắc chạy trở ra. Nếu thuận lợi, phải đến đêm ngày 4 Tết mới có mặt ở nhà. Kiếm được tiền, nhưng coi như mất Tết", anh Khánh chia sẻ.

Chạy chục mét cũng tính tiền như nghìn mét

Không còn nhận những cuốc chạy xa trong Tết sau kinh nghiệm nhớ đời hỏng xe trên đèo Pha Đin vào giữa đêm 30 năm Đinh Dậu, anh Nguyễn Hoàng Hà, ở Thường Tín, Hà Nội cho biết năm nay, khách quen vẫn gọi điện đặt xe về quê, nhưng anh chuyển hết cho đồng nghiệp, chỉ nhận tiền sang tay, còn mình chạy khu vực quanh nhà để được ăn Tết với vợ con.

Anh Hà cho biết, vào những ngày giáp Tết, khách lạ cũng như khách quen, đều phải chấp nhận "bàn giá" với lái xe taxi khi chạy khu vực ngoai ô.

"Giá chạy chục mét cũng tính tiền như nghìn mét. Cứ lên xe, dù chỉ chạy 1-2 km, khách vẫn phải chấp nhận trả ít nhất 100.000 đồng thì mới đi, vì cầu vượt quá cung, ai cũng muốn được ưu tiên cả. Tôi không ép khách lên xe, có chăng, là họ ép tôi nhận giá cao để cho họ được đón xe trước".

Mỗi ngày trước Tết, anh Hà kiếm được 1-2 triệu đồng, sau khi đã trừ tiền xăng và phí đóng cho công ty taxi. Ngày 1 và ngày 2 sau Tết, thu nhập cũng không biến động nhiều, những ngày sau thì giảm dần.

"Khách có nhu cầu cao nhất là vào 28, 29 Tết để đi sắm Tết, hoặc chở người nhậu say về nhà. Ngày 1, ngày 2, họ cần xe đi chúc Tết và từ ngày 5 đến ngày 10 để di chuyển từ quê lên thành phố. Cánh lái xe mà chăm chỉ, chỉ vài ngày trong Tết cũng kiếm được chục triệu".