Khác với hệ thống đèn phía trước đầu xe, đèn phanh phía sau mỗi chiếc ô tô ngoài hai đèn được tích hợp trong cụm đèn hậu, còn có thêm một đèn phanh thứ ba hay còn gọi đèn báo phanh trung tâm, có thiết kế dài và đặt cao.

Vì sao ô tô phải có đèn báo phanh trung tâm? - Ảnh 1.

Đèn phanh trung tâm là một tính năng thiết yếu trên xe hơi. (Ảnh minh họa)

Theo giải thích của các chuyên gia, đèn phanh trung tâm là một tính năng thiết yếu trên xe hơi, chức năng chính là báo hiệu cho các phương tiện khác rằng xe đang giảm tốc độ hoặc dừng, cần tránh để đảm bảo an toàn. Đèn phanh trung tâm được bố trí cao hơn 2 đèn phanh chính, giúp tăng khả năng quan sát cho lái xe khác, từ đó làm giảm va chạm cũng như tai nạn.

Như vậy, có thể nói, đèn phanh thứ 3 giúp tăng cường "giao tiếp" giữa những người lái xe, do đó giảm được khả năng xảy ra và mức độ nghiêm trọng của các vụ tai nạn từ phía sau. Hàng loạt kết quả nghiên cứu cho thấy, ô tô lắp đèn phanh thứ ba sẽ giúp người lái xe phía sau tăng khả năng nhận biết hoạt động của xe phía trước. Qua đó, có thể giảm thiểu khả năng xảy ra va chạm, tai nạn từ phía sau.

Chi tiết này ít khi được chú ý đến nhưng lại là trang bị bắt buộc trên hầu hết các dòng ô tô hiện nay. Từ năm 1986, Mỹ và Canada đã ban hành quy định bắt buộc các mẫu ô tô bán ra thị trường phải lắp đặt đèn phanh trung tâm, đặt cao hơn hai đèn phanh thông thường vốn đã được tích hợp hai bên cụm đèn hậu.

Quy định này được đưa ra sau khi nhà tâm lý học người Mỹ - John Voevodsky tiến hành cuộc thử nghiệm gắn cụm đèn phanh trung tâm trên 343 xe taxi ở San Francisco, nhằm đối chiếu với các xe taxi không gắn cụm đèn này. Sau 10 tháng, kết quả chỉ ra những chiếc taxi có đèn phanh trung tâm có tỷ lệ bị va chạm từ phía sau ít hơn 60,6% so với những taxi không gắn đèn.

Thử nghiệm này sau đó được Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) lặp lại với quy mô và số lượng xe nhiều hơn. Kết quả cho thấy đèn phanh trung tâm có tác dụng đáng kể trong việc giảm thiểu tai nạn và thương tích.

Năm 1990, Australia và New Zealand cũng ban hành quy định này trong khi các nước khu vực châu Âu áp dụng quy định về lắp đặt thiết bị chiếu sáng/tín hiệu đèn từ năm 1998. Đến nay, đèn báo phanh trung tâm đặt cao phía sau xe đã trở thành trang bị tiêu chuẩn, bắt buộc trên các dòng ô tô.

Hiện nay, cụm đèn phanh trung tâm đã được nhiều hãng xe phát triển, trang bị hiện đại hơn. Bằng cách cài đặt hệ thống đèn phanh thích ứng, khi xe phía trước phanh đột ngột, hệ thống chống bó cứng phanh (ABS) kích hoạt, đèn phanh sẽ nhấp nháy nhanh để cảnh báo cho xe phía sau.

Với tầm quan trọng của đèn báo phanh trung tâm, người dùng ô tô cần thường xuyên kiểm tra, theo dõi cụm đèn này trên xe có hoạt động ổn định hay không.