Câu chuyện ngân hàng hay chủ xe giữ bản gốc đăng ký xe đối với ô tô đang thế chấp tại nhà băng đang gây xôn xao. Các chuyên gia pháp lý còn bàn cãi về tính pháp lý của việc này, song, việc giao giấy tờ xe cho chủ xe sẽ đẩy thêm rủi ro về phía ngân hàng.
Lên cả kịch bản lừa ngân hàng
Cán bộ quản trị rủi ro một ngân hàng cho hay, cho vay mua ô tô tiềm ẩn rủi ro cả trước cho vay, lẫn sau cho vay. Trước cho vay thì đã từng có những khách hàng làm giả giấy tờ, thậm chí lập giả luôn cả hợp đồng mua bán xe, đề nghị thanh toán,... để lừa ngân hàng giải ngân.
Ngoạn mục hơn, khách hàng có thể làm giả luôn cả giấy chứng nhận đăng ký xe để kịch bản lừa đảo thêm phần kịch tính.
Tháng 4/2017, Công an tỉnh Gia Lai đã phải khởi tố để xử lý trách nhiệm của Đặng Nguyễn Bảo Trúc (30 tuổi, trú phường Hội Thương, TP. Pleiku) về hành vi làm giả 5 giấy đăng ký xe ô tô, thế chấp tại Ngân hàng Đầu tư Việt Nam (BIDV), lừa đảo được 7,5 tỷ đồng.
Giới ngân hàng Hà Nội từng rúng động vì vài nơi cũng dính vào một nhóm làm giả toàn bộ hồ sơ, từ giấy tờ nhân thân đến hợp đồng mua xe,... để lừa đảo một lúc nhiều ngân hàng. Giám đốc Quản trị rủi ro một ngân hàng chua chát: nhiều đối tượng lừa đảo siêu đến mức, nhân viên ngân hàng đi đến tận nơi cấp đăng ký xe, vẫn bị đối tượng lừa để đưa cho đăng ký xe giả, mang về nhập kho thể hiện tài sản.
Cho vay xong cũng chưa phải hết chuyện. Việc quản lý tài sản đảm bảo là xe ô tô trong suốt quá trình cho vay cũng một quá trình cam go.
“Đa phần khách hàng đã mua ô tô thường có nhân thân tốt, trả nợ tương đối đều đặn. Nhưng cũng lắm khi gặp phải khách hàng ‘đểu’, cố tình lừa, hoặc khi chỉ là khách hàng khó khăn quá mà đâm ra liều, bán luôn cả tài sản đang thế chấp”, một cán bộ tín dụng lâu năm nói.
Điều này không phải là vô lý, bởi mới đây, CATP Hà Nội đã bắt được một giám đốc trốn truy nã nhiều năm, với “thành tích bất hảo” là trong quá khứ bán luôn cả 4 xe đang thế chấp tại ngân hàng.
Và câu chuyện lần mò đi tìm xe đang thế chấp, lần mò đi tìm khách hàng thì hầu như cán bộ tín dụng nào cũng đã trải qua, thậm chí phải lang thang đeo bám đến mấy tỉnh mới tìm ra tung tích của xe đang thế chấp. Mà tìm ra rồi, lại vất vả ngược xuôi chạy làm thủ tục các loại, rồi phải đưa ra cơ quan công an hỗ trợ mới có thể thu hồi được xe về.
Thu xe về xong, câu chuyện đi bán tài sản thế chấp lại dài nữa. Nếu khách hàng lừa đảo, xe ô tô lại trở thành tang vật trong một vụ án hình sự thì câu chuyện xử lý xe chưa biết bao giờ mới xong.
Cầm giấy tờ gốc còn chẳng xong
Theo quy trình phần lớn các ngân hàng đang áp dụng, việc giữ đăng ký xe bản gốc đều do ngân hàng thực hiện. Giám đốc Pháp chế một ngân hàng cho hay họ có rà soát việc này, nhưng chiểu theo Bộ luật Dân sự 2015, ngân hàng và khách hàng có thể thoả thuận việc giữ hộ giấy tờ gốc. Thường thì, khách hàng không mang theo và xuất trình cho CSGT khi được hỏi. Còn văn bản thỏa thuận để ngân hàng giữ giấy tờ gốc thì có nơi áp dụng, có nơi chưa.
Cũng theo vị này, đã theo Luật dân sự thì nên tôn trọng thoả thuận của các bên.
Phần lớn các ngân hàng đều giữ đăng ký xe bản gốc. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, hầu hết cán bộ làm trong lĩnh vực pháp chế, quản trị rủi ro cũng như tín dụng của các ngân hàng đều cho rằng, việc cho vay ô tô đã tiềm ẩn những rủi ro nhất định, nay lại thêm quy định về bàn giao giấy tờ gốc cho khách hàng thì lại càng đẩy thêm rủi ro về phía ngân hàng.
“Ngân hàng nắm giấy tờ gốc còn khó quản lý, đây còn giao luôn cho khách hàng lại càng khó hơn” - ông này than thở. Có ý kiến bức xúc hơn: “Cả bộ hồ sơ cho vay về tài sản, cầm mỗi cái hợp đồng thế chấp với giấy đăng ký giao dịch đảm bảo thì liều quá, có giấy đăng ký gốc mà còn lo ngay ngáy”.
Ngoài ra, theo các chuyên gia ngân hàng, việc ngân hàng giữ giấy tờ gốc của xe còn tạo điều kiện cho các ngân hàng kiểm tra được tài sản đảm bảo.
“Định kỳ, thường là từ 3 đến 6 tháng, chúng tôi cấp giấy tờ chứng nhận việc xe đang thế chấp. Bây giờ đưa luôn giấy tờ gốc cho khách hàng, câu chuyện ‘nhìn, sờ, nắn’ xe của chúng tôi sẽ gian nan hơn rất nhiều”.
Nan giải hơn, điều phía ngân hàng sợ nhất là khi giao giấy chứng nhận gốc cho khách hàng sẽ tạo điều kiện cho việc tranh thủ cầm đồ. “Với xe xịn, đăng ký xe bản gốc ngon, không một dòng dấu vết đang thế chấp trên giấy tờ thì quá đủ để bán cho một bên nữa, cầm đồ thoải mái” - giám đốc một phòng giao dịch ngân hàng cho vay.
Các ngân hàng đều thực hiện đăng ký giao dịch đảm bảo, xe nào đang thế chấp tại đâu đều thể hiện tương đối rõ ràng. Tuy nhiên, trên thực tế, rất ít người biết trang web để tra cứu về tình trạng tài sản, nên việc mua phải xe gian, xe thế chấp là chắc chắn có. Lúc đó, nạn nhân của các hành vi gian lận không chỉ phải là ngân hàng, mà còn là bên thứ ba khác.
Thực ra, chuyện bên nào cầm bản gốc đăng ký xe không phải là ảnh hưởng quá trọng yếu đến tính chính chủ của xe, hay các rủi ro của xe khi lăn bánh trên đường, nên quy định của pháp luật hiện tại là tương đối cứng nhắc, chưa kể, các chuyên gia pháp lý đang bàn thêm về tính hợp lý, hợp pháp của văn bản này.
Tuy nhiên, vấn đề là khi ngân hàng nắm giữ giấy tờ gốc của xe, cấp một loại giấy gọi là giấy lưu hành xe do ngân hàng phát hành, đóng dấu, có thu phí của khách hàng, ít là 100.000 đồng, nhiều là từ 300.000-500.000 đồng xem ra có phần thiệt thòi cho khách hàng.