Nhiều chuyên gia đã nhận định Tata Nano, chiếc xe bé nhỏ “kỳ dị”, bánh xe kích thước khiêm tốn, ống xả bé tẹo, với động cơ 2 xy lanh kêu ro ro, sẽ trở thành Ford Model T của thế kỷ 21. Sẽ có nhiều người hòai nghi, bởi có quá nhiều trở ngại trên con đường Tata Nano múôn tiến ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, nếu như Model T cách mạng hóa cách thức chế tạo xe hơi, Mini thay đổi lại quan niệm về thiết kế, một chiếc Nano 2500 USD sẽ làm đảo lộn suy nghĩ của mọi người về quan niệm giá cả.

Nano có ưu điểm gì?

Tất nhiên với mức giá đề nghị 2500 USD, Nano là chiếc xe rẻ nhất thế giới, đó là ưu điểm lớn nhất.

Xét về ngoại thất, người ta đã từng hình dung một chiếc Nano giá rẻ chưa tới 3000 USD sẽ…không giống ô tô, mái bạt, không cửa sổ…, thế nhưng diện mạo của chiếc xe khiến không ít người bất ngờ. Xuất hiện tại triển lãm Detroit, Nano chứng minh một mức giá rẻ lại đi kèm với một ngoại hình “không thua gì xe Hàn Quốc hay Nhật Bản.”
 

img

Về thông số kỹ thuật, xe có kích thước dài 3,1m, rộng 1,5m và cao 1,6m, khá nhỏ nhắn nhưng có thể chở được 4-5 người, kể cả tài xế. Xe sử dụng hệ dẫn động cầu sau, động cơ là loại dung tích nhỏ: 624cc, công suất 33 mã lực, cho tốc độ tối đa khoảng 95 km/h.
 

img

Về vận hành, việc ngồi trên chiếc xe này không hề là một sự tra tấn khổ ải. Với tốc độ trong thành phố, xe tỏ ra khá linh hoạt, bám đường tốt, không quá xóc ngay cả trên mặt đường xấu và khả năng rẽ hay ôm cua an tòan. Tuy nhiên, xe vẫn qua sát hạch tiêu chuẩn về khí thải và tiêu thụ nhiên liệu của Ấn Độ và Châu Âu, với mức tiêu thụ xăng trung bình dưới 5 lít/100km.

Vì sao giá xe lại rẻ?

Nếu như chiếc xe tỏ ra vận hành tốt, ngoại thất “ổn” như  vậy, làm thế nào để có thể sản xuất hàng loạt với mức giá chỉ 2500 USD?

Trước hết, giá nhân công lao động của Ấn Độ thấp hơn nhiều so với các nước Âu Mỹ, điều này tạo nên lợi thế đáng kể.

Bỏ qua các lý do vĩ mô, tiến sâu vào địa hạt “vi mô” hơn, có thể dễ dàng nhận ra các kỹ sư của Tata đã tiết kiệm đối đa có thể. Nano cực “tằn tiện”: về thiết bị, xe  không đài, không điều hoà, không cửa sổ điện, không tay lái trợ lực và...không có túi khí. Tất nhiên, khó có thể hi vọng có hệ thống chống bó cứng phanh, hay kiểm soát ổn định trên chiếc xe này.

img

Thêm vào đó, nhiều “sáng kiến” hữu dụng đã được dùng cho chế tạo xe: chỗ bơm xăng, đổ dầu phanh, nước làm mát dùng chung một nắp; cửa sau hàn chặt để tiết kiệm tấm dập, lò xo, chốt cài…Thay vào đó, hàng hóa được chất vào xe bằng cách dẹp hàng ghế sau ra trước. Tiết kiệm hơn nữa, xe chỉ có một cần gạt nước, 3 bu lông cho mỗi bánh xe thay vì 4 hay 5. Táo bạo hơn, cả cụm cơ khí phía sau, gồm động cơ, hệ truyền động, hệ thống treo liên kết chỉ bằng …4 bu-lông!

img

Các tùy chọn “xa xỉ” trên xe là…gương hậu cho phía ghế hành khách, vì xe chỉ trang bị gương hậu cho người lái. Chi trả thêm phí, người mua có thể “hài lòng” với tùy chọn điều hòa nhiệt độ, đài và cửa sổ điện.

Nano có thành công?

Trong bối cảnh kinh tế suy thóai mạnh như ngày nay, mọi nhu cầu đều co lại ở mức thiết yếu, một chiếc xe rẻ và hữu dụng như Nano chắc chắn sẽ chiếm nhiều cảm tình hơn một chiếc xe đắt tiền. Nano đã có được yếu tố “thiên thời”.

img

Thứ 2, Nano là giấc mơ của nông dân xứ nghèo. Những sản phẩm của tập đòan Tata Nano có thể nhận được cái nhìn bỉ bai nếu xét theo khẩu vị phương Tây hay Mỹ, nhưng nó đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng thu nhập thấp ở những nước đang phát triển. Tata từng sản xuất Tata Magic, xe minivan 700 cc với giá chỉ 5800 USD, 8 chỗ nhưng có thể chở nhiều hơn thế. Nó chính xác là cái mà người dân nông thôn Ấn Độ cần, rất rẻ, rộng rãi, “co giãn” tùy nghi khi cần thiết và có thể chở mọi thứ họ cần. Vậy thì một chiếc “ô tô riêng” Nano giá rẻ, dễ sử dụng đã đạt được “địa lợi”, sẽ thắp sáng giấc mơ “lên xe xuống ngựa” của những người dân nghèo, không chỉ Ấn Độ mà còn nhiều quốc gia khác ở châu Á, châu Phi, Châu Mỹ, và tất nhiên trong đó có Việt Nam…

img

Hơn nữa, Ratan Tata còn tham vọng Nano của ông không chỉ là một phương tiện di chuyển, mà còn là mang sứ mệnh xã hội. Hàng năm tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của khoảng 90.000 người dân Ấn Độ, phần lớn là người đi bộ và xe hai bánh. Sự thật đó là trăn trở vị chủ tịch, ông muốn làm nên một sản phẩm khiến cho xã hội Ấn Độ bớt đi nhiều cái chết oan uổng. Với một ý nghĩa nhân văn như vậy, xem như xe đã hội tụ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. 

Vấn đề cuối cùng đó là chờ đợi sự ra mắt của Nano để kiểm chứng.

img