Khi thiết kế xe, người lớn bao giờ cũng thiên về tính thẩm mỹ, khả năng vận hành, giá trị sử dụng, sự tiện nghi... Nhưng trẻ em thì khác. Chúng có mơ ước riêng, ngây thơ và đôn hậu về chiếc xe tương lai - những chiếc xe phải có khả năng cứu người, cứu vật, bảo vệ môi trường trước đã.

Trong 20 tác phẩm bước vào chung kết cuộc thi “Ý tưởng trẻ thơ” do Công ty Honda Việt Nam phối hợp cùng Vụ Giáo dục tiểu học (15/8), có một số tác phẩm về xe. Một điều thú vị là các nhà thiết kế xe nhí tỏ ra khá am tường về cấu trúc, hoạt động của ôtô. Trí tưởng tượng, sự thông minh của các em học sinh tiểu học đã khiến người lớn bất ngờ.

Qua một vài thiết kế, hãy xem trí tưởng tượng, mơ ước của trẻ em về mẫu xe tương lai như thế nào.

1. Ôtô khám chữa bệnh cho cây (tác giả: Nguyễn Minh Ngọc, trường Chu Văn An, Hà Nội, đoạt giải nhất. Giải thưởng là một chuyến thăm quan Nhật Bản)
 

img

Lý do đưa ra ý tưởng: Em rất yêu thích cây cối. Vì cây cho chúng em bóng mát, cây cho quả để chúng em ăn. Nhưng ở một số nơi không khí bị ô nhiễm nên cây mắc bệnh không lớn được, vì thế em đã thiết kế ra chiếc xe này. Chiếc ôtô của em sẽ đến bất cứ nơi nào sẵn sàng chữa bệnh cho cây.

- Cách làm mô hình: Em dùng can dầu làm thùng xe. Đầu xe em làm bằng hộp đèn. Còn pin mặt trời làm bằng hộp đựng quà. Trong đầu xe em đặt một màn hình vi tính bằng vỏ bao diêm. Cuối cùng là chiếc tay của xe và cây làm bằng bìa. Xe và cây được đặt trên nền cỏ làm bằng mùn cưa trộn màu, rải trên tấm gỗ mỏng

- Cơ chế chuyển động của mô hình: Pin mặt trời tạo ra năng lượng để xe và cánh tay chuyển động. Dưới sự điều khiển của máy vi tính các cánh tay thần kì của xe tự động vươn lên cao hoặc hạ thấp xuống để tìm bệnh và chữa trị cho cây. Mỗi cánh tay có một nhiệm vụ khác nhau. Tay cặp nhiệt độ, tay bắt sâu, tay nghe cây thở, tay tiêm thuốc...

Mơ ước: Chiếc xe thật có ích cho cây. Em mong ước một ngày gần đây những chiếc xe ôtô khám chữa bệnh sẽ xuất hiện để cây cối luôn xanh tươi.

2. Xe chữa cháy đa năng (tác giả: Đỗ Tường Lân trường Quang Trung, Hà Nội, giải 3, học bổng 700 USD)

img

-    Lý do đưa ra ý tưởng : Em ứng dụng cơ chế di chuyển linh hoạt của người máy ASIMO vào một chiếc xe chữa cháy cùng những sáng tạo mới giúp chiếc xe trở nên đa năng hơn.

-   Cách làm mô hình: Thân xe cắt bằng bìa cứng. Bộ phận lọc khí nóng, khói sử dụng ống nút cắt đôi làm lưới lọc, dùng mêca trắng dán lên làm màng lọc. Bình chứa nước làm từ chai nước ngọt đặt trong thân xe. Camera dùng hộp sữa và nút chai nhựa gắn lại bằng keo. Cánh và đuôi xe bằng bìa cứng. Bọc giấy bạc, gắn hạt trắng trên 2 cánh bên thể hiện pin mặt trời. Ăngten báo cháy dùng bút hết mực. Bánh xe làm từ 3 lõi băng dính, 2 bánh trước gắn vào vòi rồng bằng băng dính, bánh sau gắn cố định vào gầm xe.

-   Cơ chế hoạt động: Chiếc xe chữa cháy dùng ăng-ten để phát hiện đám cháy, camera trên đầu xe có nhiệm vụ quan sát và phân tích đám cháy. Tiếp đó, chiếc xe tự động di chuyển đến bằng con đường ngắn nhất với sự cơ động và hoạt động linh hoạt của bánh xe (đi trên mọi địa hình, luồn lách trong ngõ hẹp, leo cầu thang). Chiếc xe cũng có thể sử dụng pin mặt trời trên 2 cánh để bay. Bộ lọc 2 bên thân xe sẽ hút không khí tạo nước tính lại trong bình chứa rồi phun từ các vòi rồng từ mọi phía.

-  Ước mơ: Chiếc xe có thể trở thành hiện thực rồi giúp đỡ mọi người.

3. Chiếc xe hình cây bút chì biết chạy dưới nước (tác giả Nguyễn Ngọc Đỗ Nguyên)
 

img

-  Ý tưởng: Vì đường phố có rất nhiều xe cộ lưu thông nên dễ gây ra ùn tắc giao thông. Khi mưa lớn thì chiếc xe này biến thành tàu ngầm để tiếp tục di chuyển

-   Ưu điểm: Với những chức năng hữu ích của chiếc xe này làm cho việc lưu thông trên đường và có thể giúp cho việc nghiên cứu các sinh vật dưới đáy biển được tiện hơn.
 
Biết đâu đến một ngày những ý tưởng ngộ nghĩnh, nhân văn trên sẽ biến thành hiện thực. Và chính các mô hình lại khơi nguồn sáng tạo cho các nhà thiết kế xe người lớn.
 
Ảnh DN