Khi bầu bí, nhiều chị em mang bụng nặng nề, đi như nâng trứng hứng hoa; trong khi không ít thai phụ vẫn luôn tay luôn chân hoạt động mạnh mẽ, tự lái xe máy đi làm như bình thường, thậm chí "hơn mức bình thường".

"Hàng cồng kềnh" nên được ưu tiên
 
Chị Thanh Tâm, Bình Thạnh HCM, đang có bầu 4 tháng chia sẻ: “Ba tháng đầu, tôi đi đứng nhẹ nhàng, đi làm, tan sở hay muốn ra ngoài ông xã đều đưa đi. Tôi cũng ngại khi dắt xe nặng sẽ bị động đến thai nhi. Nhưng từ tháng thứ 4, tôi bắt đầu tự lái xe vì không chịu được cảm giác phụ thuộc vào chồng mỗi lần muốn đi việc riêng”.
 
Chị đùa, là “hàng cồng kềnh” nên chị rất được ưu tiên, từ việc xếp hàng tính tiền trong siêu thị, vào các quán ăn luôn được nhường cho vị trí tốt dù quán đang đông khách, dắt xe cũng có người giúp… Bà bầu này thích nhất là mỗi lần chạy xe ra đường lúc tan tầm, đường hay kẹt xe, chị cũng quen tính “bon chen” như thời “chưa có gì”, “đua” lên lề đường để thoát đoạn đông người thì bị mọi người bên cạnh trừng mắt nhìn sang. Nhưng không ít người nhìn thấy cái bụng to đùng của chị lại nhường cho chạy trước.
 
Vô tình, cái bụng bầu chứa sinh linh bé nhỏ, đáng lẽ phải được các chị rất mực nâng niu, lại trở thành "bình phong" để các chị thả sức tung hành trên xa lộ.
 
Ẩu và liều
 
Chị Quỳnh Chi ở quận Tân Bình, TP HCM, còn hơn một tháng nữa thì nhập viện để sinh nhưng đã bị chồng đưa vào “sổ đen” với danh sách hơn 5 lần ngã xe ngoài đường trong thời gian bầu bí.

Chị kể: “Bụng tôi đã 8 tháng nhưng không to như các chị em khác. Đây là lợi thế giúp tôi di chuyển nhanh và không có cảm giác nặng nề. Tôi luôn cẩn thận mỗi khi lái xe ra đường nhưng vẫn không thể tránh được những người khác lái ẩu, va chạm làm tôi ngã sóng soài ra đường. Những lúc đó, tôi cũng sợ động thai nhưng không thể bỏ qua được 'chiêu ăn vạ' nếu người gây tai nạn kia không biết xin lỗi”.

Một lần khác, chị thừa nhận mình rất liều, khi nghe tin mẹ bị bệnh, nhà mẹ ở Gò Dầu, cách Sài Gòn gần 50 km; sốt ruột vì mẹ chỉ có một mình, ông xã thì công tác xa chưa về, chị đánh liều vác bụng chạy xe máy về quê. Đường quốc lộ nhiều xe, khói bụi mù mịt, chưa kể nhiều đoạn đang thi công, xe đón trả khách dọc đường lấn tuyến liên tục khiến chị bị ép vô lề đường suýt ngã.

"Nhưng tôi đã đi hơn nửa đoạn đường không thể quay lại, đành thẳng tiến về nhà mẹ. Về đến nhà, tôi không dám kể với chồng là đã tự đi xe máy một mình quá xa như vậy lúc bụng mang dạ chửa ở tháng thứ 8", chị Chi nói.

Những lời khuyên cho bà bầu lái xe
 
Lái xe và tham gia giao thông là nhu cầu tất yếu của mọi chị em, bởi dù bầu bí, nhưng họ vẫn tham gia lao động, làm việc tích cực và không thể tránh việc phải di chuyển đi lại.
 
Nhận định về việc các chị em “bầu bí” lái xe, bác sĩ Trần Đình Nguyên, Khoa sản, bệnh viện Hoàn Mỹ cho biết, bà bầu vẫn có thể lái xe máy, việc lái xe không ảnh hưởng nhiều đến thai nhi trừ khi có sự va chạm mạnh như bị ngã. Bác sĩ đưa ra một số lời khuyên dành cho bà bầu khi lái xe:
 
Đối với xe máy:
 
- Các chị em khi có bầu chạy xe máy nên làm chủ tốc độ, lưu thông khoảng 20-25 km một giờ, không nên lái quá nhanh.
 
- Nên chọn loại xe thấp và khi vào số không nên dùng quá nhiều lực ở phần lưng.
 
Đối với ô tô:
 
Khi ngồi sau vô lăng ôtô, "bà bầu" nên luôn luôn cài dây an toàn. Cách cài dây an toàn thích hợp cho người mang bầu cũng không khác gì so với cách thông thường. Dây ngang phải để thấp và chặt vào hông, dây chéo phải vắt giữa ngực và cách xa cổ. Túi khí đã được chứng minh là có hiệu quả rõ rệt khi sử dụng cùng với đai an toàn, nếu người trên xe ngồi đúng cách và giữ khoảng cách vừa đủ với túi khí.
 
"Những bà mẹ trẻ nên ngồi thẳng lưng và giữ khoảng cách ít nhất 40 cm từ bụng đến túi khí. Không nên sử dụng gối, đệm để thay đổi vị trí ngồi, đơn giản chỉ chỉnh trên xe là đủ", bác sĩ nói. Loại xe gia đình nhỏ giúp các chị em dễ dàng chỉnh sửa ghế ngồi và chỉnh dây đai an toàn. Vị bác sĩ sản khoa của bệnh viện Hoàn Mỹ cho rằng, các bà bầu lái xe hơi nên cố gắng sử dụng loại xe có túi khí ở cả phía trước và hai bên, bé sẽ luôn được an toàn nếu xảy ra va chạm mạnh.
 
Theo VnExpress