Không thu hút khách hàng như mong đợi, 10 mẫu xe đến từ đủ các nhãn hiệu nổi tiếng đang bị coi là những sai lầm trên thị trường hiện nay.
Khi xuất hiện trên thị trường, X6 đã được hãng BMW giới thiệu như một "mẫu coupe thể thao đa dụng". Có thể nói, BMW X6 kết hợp những đặc tính truyền thống của dòng SUV như khoảng sáng gầm cao, bộ lazăng và lốp cỡ lớn với kiểu dáng của xe coupe (trần dốc về phía sau). Trái ngược với nhiều thành viên nhà BMW, X6 không lôi kéo được nhiều khách hàng. Nguyên nhân có lẽ bắt nguồn từ sự bối rối của khách hàng về diện mạo cũng như giá bán khá "chát" của X6. Từ đầu năm đến nay, chỉ có 1.559 chiếc BMW X6 đến tay khách hàng, một con số quá thấp so với thành tích hơn 10.000 chiếc của "người anh em" X5.
Tương tự BMW X6, Mercedes-Benz R-Class cũng gây bối rối cho khách hàng. Mẫu minivan trần thấp với nội thất 3 hàng ghế của BMW gợi liên tưởng đến dòng xe tang khiến nhiều khách hàng phải tránh xa. Doanh số bán hàng của R-Class chưa bao giờ chạm đến con số 25.000 như mục tiêu ban đầu mà Mercedes-Benz đặt ra. Dù được áp dụng chính sách ưu đãi hấp dẫn, R-Class vẫn không được nhiều khách hàng để mắt tới. Trong tháng 4, chỉ có đúng 195 chiếc Mercedes-Benz R-Class rời khỏi các đại lý trên đất Mỹ.
Trình làng vào năm 2008, Ford Flex dường như đã chọn sai thời điểm. Vào lúc đó, khách hàng đang có xu hướng chuộng dòng xe nhỏ gọn hơn. Dù Ford gặt hái nhiều thành công nhưng Flex lại thua trong cuộc cạnh tranh với Chevrolet Traverse và Toyota Highlander. Khi bắt đầu ra mắt Flex, Ford đã nhắm đến doanh số bán hàng 100.000 chiếc/năm. Tuy nhiên, Flex phải chật vật lắm mới hoàn thành được 1/3 mục tiêu đó. Từ đầu năm 2011 đến nay, Ford Flex luôn đi kèm doanh số bán hàng khoảng 2.000 chiếc/tháng.
Hãng Smart tin tưởng khối động cơ tiêu tốn ít nhiên liệu của mẫu xe cỡ nhỏ, 2 chỗ ForTwo sẽ lôi kéo nhiều khách hàng trẻ tuổi. Song, Smart có lẽ đã phải thất vọng. Thậm chí, nhiều khách hàng Mỹ còn cảm thấy hối hận vì đã mua Smart ForTwo. Tuy nhiên, hãng Smart vẫn cố gắng bám trụ tại thị trường Mỹ bằng cách bổ sung phiên bản chạy điện của ForTwo. Đáng tiếc thay, trong tháng 4 vừa qua, chỉ có 467 khách hàng tìm đến với Smart ForTwo.
Trước khi ra mắt Tundra thế hệ thứ hai, hãng Toyota đã đầu tư khá kỹ lưỡng cho công tác chuẩn bị. Hãng xe Nhật Bản đã đi khảo sát thị trường để tìm hiểu nhu cầu thực tế của người tiêu dùng đồng thời thiết lập hẳn một dây chuyền lắp ráp dành riêng cho Tundra tại San Antonio. Chỉ có điều, những nỗ lực của Toyota cũng không đủ để lôi kéo các khách hàng trung thành với dòng xe bán tải Chevrolet và Ford. Cộng thêm vào đó là suy thoái kinh tế và những vụ thu hồi liên miên của Toyota. Dù nhà máy tại Texas có đủ sức sản xuất 200.000 xe bán tải một năm, Toyota cũng không tận dụng hết vì chỉ bán được 93.309 sản phẩm trong năm 2010. Năm nay, doanh số bán hàng của Tundra có vẻ khả quan hơn nhưng vẫn không thể "soán ngôi" của Ford F-150 hay Chevrolet Silverado.
Có thể nói, Quest là nỗ lực của hãng Nissan trong việc phá vỡ "kiềng ba chân", bao gồm Chrysler, Honda và Toyota, của phân khúc minivan. Tuy nhiên, vận may đã không mỉm cười với Nissan khi chỉ bán được 3.335 chiếc Quest từ đầu năm 2011 đến nay. Trong khi đó, "đồng hương" Honda đã phân phối tổng cộng 36.306 chiếc Honda Odyssey. Có thể chỉ ra 3 nguyên nhân dẫn đến thất bại của Nissan Quest. Đầu tiên là quyết định không đưa Quest vào dòng sản phẩm năm 2010 của Nissan. Hai là nhãn hiệu Nissan không quen thuộc với những người ưa chuộng dòng xe minivan. Cuối cùng là thiết kế đồ sộ bên ngoài nhưng chật hẹp bên trong của Quest.
Có mặt trên thị trường vào 9 năm trước, Maybach được biết đến như một nhãn hiệu sản xuất xe siêu sang. Cạnh tranh trực tiếp với Rolls-Royce và Bentley, dòng xe Maybach sở hữu giá bán cao "ngất ngưởng", 400.000 USD. Ngay cả những người cực giàu có cũng phải cân nhắc trước khi mua xe Maybach. Có lẽ đó là lý do vì sao Maybach mới bán được 20 sản phẩm từ đầu năm 2011 đến nay.
Bắt đầu có mặt trên thị trường vào tháng 3/2009 với giá bán 19.800 USD, Honda Insight nhanh chóng trở thành mẫu xe hybrid rẻ nhất tại Mỹ. Tưởng chừng như lợi thế về giá bán sẽ "chắp thêm cánh" cho doanh số bán hàng của Honda Insight. Tuy nhiên, thực tế lại chứng minh điều ngược lại. Chính giá xăng dầu giảm xuống trong năm ngoái đã khiến khách hàng bỏ qua dòng xe tiết kiệm nhiên liệu. Từ khi ra đời đến nay, Honda Insight chưa bao giờ cạnh tranh nổi với "đồng hương" Prius dù thành viên nhà Toyota sở hữu giá bán cao hơn.
Thay vì "mang danh tiếng của nhãn hiệu Acura lên một tầm cao mới" như hứa hẹn ban đầu, ZDX hoàn toàn thất bại về mặt doanh số bán hàng. Được phát triển dựa trên Honda Pilot crossover nhưng Acura ZDX lại đến tay khách hàng như "một mẫu coupe thể thao 4 cửa hạng sang". Sở hữu kiểu dáng gây nhiều tranh cãi, Acura ZDX đã tự nhấn chìm mình. Từ đầu năm 2011 đến nay, Acura chưa bán được 1.000 chiếc ZDX.
Subaru đã giới thiệu ngôn ngữ thiết kế mới của mình thông qua B9 Tribeca vào năm 2005. Song, không phải khách hàng nào cũng hiểu được điều đó. Với họ, Subaru B9 Tribeca chẳng khác nào một con vịt xấu xí với lưới tản nhiệt hình tam giác lạ mắt. Nhận ra sai lầm của mình, hãng Subaru đã bỏ từ B9 ra khỏi tên của dòng sản phẩm đồng thời chào tạm biệt kiểu dáng mới nhanh hơn nhiều người tưởng. Tuy nhiên, sự nhanh tay của Subaru vẫn không kịp cứu Tribeca. Trong tháng 4 vừa qua, dòng Subaru Tribeca chỉ thu hút được 910 khách hàng. Nhiều người thậm chí còn đồn đại về ngày "tuyệt chủng" của Subaru Tribeca.
CNN - Theo VCTV