Luật phòng, chống tác hại rượu bia quy định người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông.
Sáng 4.7, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch Nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố các Luật đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua.
Tại buổi họp báo, ông Đào Việt Trung, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch Nước đã đọc công bố Lệnh của Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng về 7 Luật mới được thông qua.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường có báo cáo tóm tắt Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia.
Ông Đào Việt Trung, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch Nước công bố Lệnh. Ảnh Trần Vương
Ông Trương Quốc Cường nhấn mạnh: Việc xây dựng, ban hành Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia là một yêu cầu cấp thiết để góp phần hạn chế gánh nặng do tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.
Theo đó, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia bao gồm 7 chương 36 điều. Luật quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia, trong đó có một số hành vi đáng chú ý như: Nghiêm cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ ngơi giữa giờ làm việc, học tập; nghiêm cấm điều khiển phương tiện giao thông bao gồm cả xe máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn…
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường trả lời câu hỏi của phóng viên báo chí. Ảnh Trần Vương
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cho hay, theo Luật này, các địa điểm không được uống rượu, bia, bao gồm 7 địa điểm. Đây là các địa điểm công cộng mà việc sử dụng rượu, bia có thể tác động cộng đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến các nhóm đối tượng cần được bảo vệ như người dưới 18 tuổi, người bệnh, học sinh, sinh viên và gây ảnh hưởng đến chất lượng lao động, nghiêm trọng hơn đó là ảnh hưởng đến thế hệ tương lai của đất nước.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay về biện pháp giảm tác hại bao gồm: Phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia; phòng ngừa, can thiệp và giảm tác hại của việc uống rượu, bia đối với sức khỏe; tư vấn về phòng, chống tác hại của rượu, bia; phòng ngừa tác hại của rượu, bia tại cộng đồng; chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác để phòng, ngừa, giảm tác hại của rượu, bia.
Tại buổi công bố Luật, PV Báo Lao Động đặt câu hỏi về việc các quy định về “đã uống rượu bia là không lái xe” như trong Luật phòng, chống tác hại của rượu bia đã nêu và quy định của Luật giao thông đường bộ về việc người tham gia giao thông vi phạm mức nồng độ cồn mới bị xử lý. Về việc này, cần có sự điều chỉnh gì?
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, đối với biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia, Luật quy định người điều khiển phương tiện giao thông không uống rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông và trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở kinh doanh vận tải, chủ phương tiện giao thông vận tải trong việc thực hiện biện pháp ngừa, phát hiện, ngăn chặn người điều khiển phương tiện vận tải uống rượu, bia ngay trước và trong khi tham giao thông.
Để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu, bia, Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định của Luật giao thông đường bộ, Luật Thương mại.
Luật có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2020.
Đối với kiểm soát khuyến mại, quảng cáo, tài trợ rượu, bia, ngoài việc kế thừa quy định về cấm quảng cáo rượu từ 15 độ trở lên, dự thảo Luật bổ sung biện pháp kiểm soát quảng cáo đối với rượu, bia dưới 15 độ để bảo đảm quan điểm nhất quán của Luật là quản lý toàn diện đối với rượu, bia, khắc phục khoảng trống của pháp luật hiện hành đối với bia.