Cổ phuộc xe máy là một bộ phận cơ khí làm nhiệm vụ dẫn hướng và chịu lực tác động trực tiếp từ hệ thống giảm xóc trước. Những hỏng hóc của bộ phận này thường ít được để ý tới, nhưng chúng có thể gây nên những hậu quả khôn lường. Nhẹ thì làm mất lái khiến xe khó điều khiển, nặng có thể làm gãy cổ phuộc gây nên những tai nạn đáng tiếc. Do đó, việc kiểm tra và bảo dưỡng cổ phuộc định kỳ là rất cần thiết cho những hành trình an toàn.

Triệu chứng

Nước vào làm gỉ sét cả bi, cổ phuộc

Nước vào làm gỉ sét cả bi, cổ phuộc

Triệu chứng hư hỏng cổ phuộc rất dễ phát hiện đó là khi vận hành xe vào đường xấu, ổ gà thấy có hiện hượng kêu lộc cộc ở phía đầu xe tác động lên tay lái. Khi chạy ở tốc độ cao xe bị chao đầu hoặc rung lắc khá lớn. Hoặc xe chạy không ổn định, khi phanh (nhất là khi chỉ sử dụng phanh trước) xe bị giật. Nếu hư hỏng lớn có thể nhận thấy tay lái khá nặng, kiểu như xe bị non hơi, vào cua không được chuẩn.

Nguyên nhân

Cổ phuộc là nơi chịu lực tác động rất lớn, bao gồm các bát phuộc (một số nơi gọi là côn phuộc) và các vòng bi để đảm bảo quá trình dẫn hướng nhanh chóng và nhẹ nhàng. Vì thế nếu không được bảo dưỡng định kỳ có thể gây nên hiện tượng mòn bát phuộc, sứt mẻ bi, gây nên hiện tượng rơ cổ phuộc. Khi vận hành lâu ngày, bị nước mưa vào, đất cát bám cặn cũng làm khô dầu mỡ khiến cổ phuộc bị nặng, mất tính dẫn hướng.

Một số trường hợp do đâm va, tai nạn hoặc đơn giản là đổ xe làm cổ phuộc bị cong vênh, nếu không được khắc phục ngay sẽ làm hao mòn bi và bát phuộc, từ đó gây rơ và làm lệch tay lái. Hoặc do quá trình sử dụng bị lỏng ốc giữ cổ phuộc (một số nơi gọi là áo phuộc hay ca-bi), khi vận hành cổ phuộc sẽ bị rung lắc gây hư hỏng. Autocar Vietnam cũng ghi nhận một số trường hợp do thợ bảo dưỡng xe lắp chồng bi hoặc lắp bi không đúng tiêu chuẩn (bi to nhỏ không đều) dẫn tới cổ phuộc không ổn định.

Nguyên nhân làm hư hỏng cổ phuộc cũng có thể đến từ chất lượng gia công hoặc các mối hàn kém chất lượng (thường gặp trên các xe do Trung Quốc sản xuất), khi vận hành một thời gian có thể làm nứt hoặc mòn cổ phuộc rất nhanh. Thói quen đi xe chở nặng mà chỉ sử dụng phanh trước của một số người cũng làm giảm tuổi thọ của cổ phuộc.

Một số thợ sửa xe máy lâu năm ở Hà Nội còn nói rằng ở trên các dòng xe của Piaggio do cấu tạo khóa cổ dạng ngang nên khi bị kẹt mà người sử dụng xe đánh tay lái nhiều cũng có thể làm rơ cổ phuộc.

Thay thế đồng bộ cả bi, bát phuộc.

Thay thế đồng bộ cả bi, bát phuộc.

Khắc phục và sửa chữa

Khi phát hiện cổ phuộc có vấn đề cần thiết phải đưa ngay xe đến các trung tâm sửa chữa để thực hiện việc kiểm tra tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra. Trường hợp xe bị tai nạn cần phải thay toàn bộ bi, bát phuộc, ốc siết và các bộ phận liên quan, tổng chi phí cho việc thay thế này ước tính khoảng 200.000 VND. Nếu cổ phuộc chỉ bị han gỉ, khô dầu mỡ thì cần thay bi, đánh bóng lại bát phuộc, tra mỡ,... chi phí cho việc bảo dưỡng này khoảng 100.000 VND.

Kiểm tra và bảo dưỡng

Bạn chỉ cần dành khoảng vài phút là có thể tự mình kiểm tra được tình trạng ban đầu của cổ phuộc. Đầu tiên là vẫn ngồi yên trên xe, hai tay nắm chặt tay lái nhấn mạnh từng bên một. Nếu thấy có hiện tượng rơ thì cần siết lại ốc bắt tay lái với cổ phuộc hoặc thay miếng cao su giảm chấn. Tiếp theo, dựng chân chống giữa cho đầu xe lên cao, để tay lái cân bằng rồi thả tay ra, bánh trước từ từ chuyển về một bên là được nếu không chuyển động có thể do khô bi hoặc bó phuộc.

Bước kế tiếp là tiến hành ngồi xổm, hai tay nắm chặt hai đầu trục bánh trước hơi nâng lên, đẩy ra xe rồi kéo vào (giống như lắc trục) nếu thấy có độ rơ cần siết lại ốc giữ cổ phuộc, nặng hơn thì cần thay cả bộ bi và bát phuộc. Cần chú ý kiểm tra cả bu-lông bắt giảm xóc trước tránh trường hợp bị lỏng hoặc chẩn đoán nhầm hỏng cổ phuộc. Cần thực hiện bảo dưỡng định kỳ cổ phuộc (khoảng 6 tháng/lần), khi thấy hiện tượng khác lạ phải kiểm tra và khắc phục ngay.

Theo Trần Giáp - Autocar