Từ 1/1/2025, mức xử phạt các vi phạm tăng gấp nhiều lần so với trước đó và có những vi phạm tài xế có thể bị tịch thu phương tiện.
Phạt đến 50 triệu đồng với hành vi lạng lách, đánh võng...
Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết nghị định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025.
Theo đó, Nghị định số 168/2024/NĐ-CP (viết tắt Nghị định 168) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm , phục hồi điểm giấy phép lái xe, thay thế cho Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/NĐ-CP).
Đáng chú ý, cơ quan soạn thảo đã tăng rất cao mức phạt đối với các hành vi, nhóm hành vi là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vụ tai nạn, đặc biệt nếu xảy ra trên đường cao tốc như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, chạy xe lạng lách, đánh võng…
Trong số các lỗi vi phạm bị xử phạt, có một số hành vi có thể bị tịch thu phương tiện nếu vi phạm.
Cụ thể, ở Khoản 12 Điều 6 về xử phạt, trừ điểm giấy phép lái xe của người điều khiển xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ có ghi:
Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng trên đường bộ; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ; dùng chân điều khiển vô lăng xe khi xe đang chạy trên đường bộ.
Nếu hành vi này mà gây tai nạn thì người lái xe có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đến 70 triệu đồng.
Nghị định 168 có hiệu lực từ 1/1/2025 cũng nêu rõ, ngoài bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi trên còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng GPLX từ 10 tháng đến 12 tháng.
Đặc biệt, nếu người điều khiển xe tái phạm hành vi lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường hay dùng chân điều khiển vô lăng xe khi xe đang chạy thì sẽ bị tịch thu phương tiện.
Như vậy, so với mức phạt trước đó ở hành vi này là 10 triệu đến 12 triệu đồng thì mức phạt mới đã tăng gấp khoảng 4 lần.
Tài xế Phan Hồng Quân chia sẻ trên báo Tuổi Trẻ cho rằng việc phạt tiền kịch khung từ 40 - 50 triệu đồng đối với lái ô tô thực hiện hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ; dùng chân điều khiển vô lăng xe khi xe đang chạy trên đường là phù hợp, tạo được tính răn đe.
Bởi các hành vi nêu trên là đặc biệt nguy hiểm, có thể gây ra những vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, để lại hậu quả vô cùng lớn cho gia đình các nạn nhân và xã hội.
"Hiện nay tình hình trật tự, an toàn giao thông, tai nạn, ùn tắc nhất là tại các thành phố lớn diễn biến hết sức phức tạp, gây thiệt hại cho xã hội và người dân. Đồng thời, tình trạng vi phạm giao thông diễn ra rất phổ biến, cần thiết lập lại trật tự văn hóa giao thông. Ban soạn thảo Nghị định sau quá trình nghiên cứu, kế thừa những kết quả đạt được của việc thực hiện Nghị định 100 nhận thấy rằng, cần thiết phải tăng mức xử phạt đủ mạnh để bảo đảm tính răn đe đối với một số nhóm hành vi, hành vi vi phạm với lỗi cố ý nguy hiểm, là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông", VOV dẫn lời Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho hay.
Nhiều hành vi khác có thể bị tịch thu ô tô
Ngoài hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng trên đường bộ; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ; dùng chân điều khiển vô lăng xe khi xe đang chạy trên đường bộ ở Điều 6 thì Nghị định 168 cũng có quy định sẽ tịch thu phương tiện ô tô với một số hành vi khác.
Cụ thể, ở Khoản 17 Điều 32 Xử phạt, trừ điểm giấy phép lái xe đối với chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ quy định tịch thu phương tiện đối với chủ xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, xe máy chuyên dùng, xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
Cắt, hàn, tẩy xoá, đục sửa, đóng lại trái phép số khung, số động cơ (số máy); đưa phương tiện đã bị cắt, hàn, tẩy xoá, đục sửa, đóng lại trái phép số khung, số động cơ (số máy) tham gia giao thông.
Cải tạo xe ô tô loại khác thành xe ô tô chở người; Đưa phương tiện quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, nếu người tham gia giao thông tái phạm một số hành vi đã bị xử phạt trước đó cũng có thể bị tịch thu phương tiện.