11 tháng qua, hành trình "biến hình" kênh rạch ô nhiễm của nhóm Sài Gòn Xanh đã tạo cơn sốt, thu hút hơn 1 tỷ lượt xem trên các nền tảng mạng xã hội, giúp nhóm lan tỏa những thông điệp ý nghĩa về bảo vệ môi trường.
Từ 2 thành viên đến hơn 10.000 lượt tình nguyện viên dọn rác
Lấy cảm hứng từ nhóm Padawara ở Indonesia, sau khi để ý thấy nhiều kênh rạch ở TP.HCM có nhiều rác thải, Nguyễn Lương Ngọc (SN 1996) – Trưởng nhóm Sài Gòn Xanh và Hồ Văn Vĩ đã cùng nhau bắt tay vào việc dọn rác. Mặc kệ sự bàn tán, ánh mắt dòm khó của nhiều người về việc làm không giống ai, sau mỗi buổi dọn rác, cả 2 cùng nhau ghi lại những khoảnh khắc rồi chia sẻ lên mạng xã hội.
"Mình không ngờ lại nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người, ai cũng muốn tham gia trải nghiệm dọn rác. Chiến dịch đầu tiên tụi mình phát động đã có 50 bạn tham gia, rồi càng lúc càng nhiều. Mình hi vọng thông qua hình ảnh người trẻ lội xuống những dòng kênh đen ngòm, hôi thối để dọn rác sẽ lan tỏa đến mọi người trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường", Nguyễn Lương Ngọc chia sẻ.
Từ 2 thành viên ban đầu, sau 11 tháng hoạt động, Sài Gòn Xanh đã thu hút hơn 500 thành viên, 10.000 lượt TNV tham gia dọn rác ở 150 chiến dịch với tổng số rác thải lên đến 2.000 tấn tại TP.HCM và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu…
Sự hồi sinh những dòng kênh đen ở TP.HCM và các tỉnh lân cận đã và đang được nhóm Sài Gòn Xanh thực hiện
Chia sẻ về quá trình ban đầu thành lập nhóm, Nguyễn Lương Ngọc cho biết bản thân các thành viên gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là nỗi lo bị dính kim tiêm, côn trùng nguy hiểm, hóa chất độc hại dưới nước.
"Tụi mình phải tìm cách để giải quyết từng vấn đề gặp phải, trang bị cho các thành viên những kiến thức cần thiết và có các phương án để xử lý khi gặp sự cố, đảm bảo an toàn cho tất cả các bạn khi tham gia dọn rác. Bên cạnh đó, chính sự nhiệt huyết, mong muốn làm sạch kênh rạch hôi thối của các bạn là động lực chính để mọi người cùng nhau vượt qua nỗi sợ, góp một hành động nhỏ trong việc bảo vệ môi trường", Nguyễn Lương Ngọc nói.
Để có thể quản lý, tổ chức hoạt động ra quân dọn rác, Sài Gòn Xanh có sự phân chia nhiệm vụ giữa các thành viên một cách rõ ràng. Từ những người xa lạ, không quen biết, chính sự khát khao cống hiến, mong muốn làm sạch môi trường đã gắn kết các thành viên Sài Gòn Xanh lại với nhau.
"Ban đầu tụi mình còn khá bỡ ngỡ nhưng sau khi bắt tay vào hoạt động, Sài Gòn Xanh học hỏi rất nhiều thứ từ việc liên hệ địa phương để tổ chức, dọn và xử lý rác thải cho đến làm sao mỗi đợt ra quân đều mang lại hiệu quả, tác động và nâng cao ý thức cho người dân. Đến giờ là 11 tháng hoạt động, mình không nghĩ Sài Gòn Xanh lại lan tỏa mạnh đến vậy", Nguyễn Lương Ngọc tâm sự.
Sau mỗi chiến dịch dọn rác, bản thân Ngọc và các thành viên Sài Gòn Xanh đều ngồi lại với nhau để rút kinh nghiệm, cùng nhau học hỏi và trau dồi thêm kỹ năng để làm sao đưa nhóm ngày một phát triển. Nếu như thời gian đầu, những hoạt động của Sài Gòn Xanh dường như "muối đổ bể" khi các con kênh rạch vẫn quay lại hiện trạng ô nhiễm thì sau đó, những nơi ra quân của nhóm không chỉ đẹp mà còn xanh hơn trước. Phần nào đó, việc làm của Sài Gòn Xanh đã mang lại những dấu hiệu tích cực trong ý thức bảo vệ, gìn giữ môi trường của người dân.
Biến hình những dòng kênh đen, đầy rác thải trở nên sạch sẽ hơn
Không làm màu và Xanh ý thức!
Trải qua 11 tháng hoạt động và phát triển, Sài Gòn Xanh thật sự đã trở thành mái nhà chung cho rất nhiều bạn trẻ thích hoạt động thiện nguyện, bảo vệ môi trường tham gia. Bên cạnh việc thu hút một lượng TNV lớn vào các buổi ra quân, Sài Gòn Xanh còn truyền cảm hứng cho nhiều nhóm bạn trẻ khác, cùng nhau thành lập thêm những đội nhóm mang tên "Xanh" hoạt động bảo vệ môi trường.
"Bản thân mình mong muốn sẽ có nhiều nhóm Xanh nữa ra đời, giúp việc bảo vệ môi trường ngày một lan rộng. Riêng đối với Sài Gòn Xanh, điều đầu tiên tụi mình đặt ra là không làm màu, mỗi chương trình phải thực tâm và tâm huyết, mang lại hiệu quả cho cộng đồng. Đồng thời tụi mình cũng mong muốn với số lượng rác thải ngày một nhiều, mỗi người dân hãy là một chiến sĩ dọn rác vì việc bảo vệ môi trường không phải của riêng ai. Rác cũng là một tài sản, vứt rác đi cũng không khác gì vứt tài sản của mình cả. Vì vậy hãy phân loại rác, tái sử dụng rác để môi trường ngày một sạch đẹp hơn", Nguyễn Lương Ngọc – Trưởng nhóm Sài Gòn Xanh nói.
Ngoài rác thải ở kênh rạch, nhóm Sài Gòn Xanh còn thực hiện nhiều chiến dịch dọn rác ở biển
Chia sẻ về những dự định tương lai, Nguyễn Lương Ngọc cho biết mong muốn sẽ thực hiện được "Xanh ý thức" bằng cách lan tỏa thông điệp, hành động bảo vệ môi trường vào trường học, giảng đường đại học bằng các buổi diễn thuyết, chia sẻ kinh nghiệm.
"Tụi mình có rất nhiều khát khao, trước hết là cải tạo nguồn nước bằng trồng các loại cây vừa giúp môi trường nước sạch hơn, vừa đem lại giá trị kinh tế. Đồng thời nhóm cũng sẽ áp dụng mô hình bom vi sinh, tìm ra những phương pháp dọn rác tối ưu nhất, không chỉ rác thải ở sông ngòi mà còn ngoài biển. Càng làm, tụi mình càng mong muốn đưa hình ảnh các bạn trẻ Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường ra ngoài thế giới một cách đẹp đẽ nhất", Nguyễn Lương Ngọc chia sẻ.
Các thành viên Sài Gòn Xanh đều là những bạn trẻ tràn đầy nhiệt huyết và ý thức bảo vệ môi trường
Nếu như ban đầu Sài Gòn Xanh ra đời từ sự nhiệt huyết, khát khao bảo vệ môi trường của 2 bạn trẻ thì cho đến nay, Sài Gòn Xanh đã mang lại những giá trị tích cực cho cộng đồng, góp phần không nhỏ vào việc làm xanh, sạch hơn những kênh rạch bị ô nhiễm, nâng cao ý thức cho người dân.
"Tụi mình mong muốn sau này nhóm có thể trở thành một tổ chức phi lợi nhuận, phi Chính phủ để nhóm có thể làm được nhiều cái lớn hơn, có thể đi được đường dài trong hành trình làm sạch môi trường", Nguyễn Lương Ngọc nói.
"Giải thưởng hành động vì cộng đồng - Human Act Prize" do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.
Không chỉ tôn vinh và lan tỏa, Giải thưởng Hành động vì cộng đồng Human Act Prize còn ra đời với mục tiêu đồng hành, định hướng và kết nối mọi cá nhân và tập thể đã, đang và sẽ mang trên vai trách nhiệm vì cộng đồng trong hành trình của họ.
Các dự án tham gia giải thưởng sẽ được đánh giá dựa trên 5 tiêu chí đại diện cho các giá trị và Giải thưởng Hành động vì Cộng đồng - Human Act Prize đang thúc đẩy, bao gồm tính cam kết, tính bền vững, tính sáng tạo, tính tác động, tính lan tỏa.
Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!
Website chính thức: https://humanactprize.org