Sau khi nhận được đầu tư mạnh từ Geely, Proton liên tục tăng trưởng về doanh số, đồng thời liên tục đưa ra thị trường nhiều dòng sản phẩm hiện đại và phù hợp thị hiếu khách hàng.
Theo thống kê từ Proton - hãng xe nội địa của Malaysia - doanh số năm 2024 của hãng đạt 152.352 xe (cộng gộp cả xe bán trong nước và xuất khẩu). Với kết quả này, Proton đứng thứ 2 tại Malaysia về doanh số. Đứng ở vị trí số 1 cũng là một hãng xe nội địa khác là Perodua.
Proton hiện là hãng xe đứng thứ 2 về doanh số tại Malaysia. Ảnh: Proton
Cũng trong năm ngoái, Proton đã sản xuất xe và xuất khẩu sang 18 quốc gia, tăng doanh số xuất khẩu lên 31% so với năm 2023. Ai Cập là nước nhập khẩu nhiều xe Proton nhất trong năm 2024 với tổng cộng 4.765 xe. Đứng thứ hai là Brunei.
Đây là năm thứ 6 liên tiếp mà Proton chiếm gần 1/5 tổng thị phần của thị trường ô tô Malaysia. Điều đáng chú ý là Proton từng đứng bên bờ vực phá sản vào năm 2016. Chỉ sau chưa đầy 4 năm sau đó, hãng xe này đã vươn mình lên số 2 thị trường.
Màn lội ngược dòng ngoạn mục của Proton
Từng là niềm tự hào của ngành công nghiệp ô tô Malaysia, Proton đã phải trải qua một bước trượt dài trong những năm đầu thế kỷ 21 bởi sự cạnh tranh khốc liệt từ các hãng lớn nước ngoài như Toyota, Honda và chính từ một hãng xe nội địa khác là Perodua. Ở thời điểm đó, xe của Proton không được ưa chuộng vì thiết kế lỗi thời, công nghệ lạc hậu cũng như hậu mãi chưa tốt.
Năm 2016, Proton gặp khó khăn về tài chính, đứng trước bờ vực phá sản. Điều đó khiến chính phủ Malaysia phải can thiệp, cấp một khoản vay cứu trợ 1,5 tỷ ringgit (khoảng 8.600 tỷ đồng quy đổi ở thời điểm hiện tại).
Năm 2017 đánh dấu bước ngoặt cho Proton khi được Geely mua lại 49,9% cổ phần. Sau đó khoảng 2 năm, Proton lần đầu có doanh số vượt mốc 100.000 xe/năm. Đóng góp lớn vào đó là doanh số của Proton X70 - mẫu SUV ra mắt vào năm 2018 được hỗ trợ công nghệ từ Geely. Tiếp nối thành công đó, Proton với sự đầu tư của Geely đã đưa ra thị trường thêm các mẫu X50 và X90, đều có doanh số tốt. Nhờ 3 mẫu xe này, Proton khi đó trở thành hãng xe dẫn đầu thị trường Malaysia trong phân khúc SUV.
Proton X90 nổi bật nhờ công nghệ. Ảnh: Proton
Không chỉ đầu tư phát triển xe Proton, Geely hợp tác đầu tư hàng trăm triệu USD để mở rộng nhà máy sản xuất xe, xây dựng trung tâm năng lượng mới hàng đầu Đông Nam Á. Mục tiêu của nhà máy đạt công suất 500.000 xe/năm vào năm 2035 với 50% trong đó để xuất khẩu.
Geely vào Việt Nam sau thành công tại Malaysia
Sau Malaysia, Việt Nam cũng là một nơi được Geely đánh giá cao về tiềm năng trong khu vực Đông Nam Á. Thông qua hợp tác với Tasco, Geely đã ký hợp đồng liên doanh lắp ráp và phân phối ô tô tại Việt Nam từ tháng 9/2024. Hai bên chốt kế hoạch xây dựng nhà máy lắp ráp ô tô tại Thái Bình với công suất dự kiến 75.000 xe/năm, vốn ban đầu lên tới khoảng 4.100 tỷ đồng. Nhà máy sẽ được khởi công trong nửa đầu năm 2025 và xuất xưởng xe đầu tiên trong đầu năm 2026.
Khác với tại Malaysia, Geely vào Việt Nam với chính thương hiệu con Geely Auto. Hiện tại, thương hiệu này đã cho xây dựng hệ thống showroom - đại lý với tiêu chuẩn 3S, quy mô lớn, thiết kế hiện đại và nằm tại các trục đường lớn ở Hà Nội như Nguyễn Văn Linh và Giải Phóng.
Geely Auto có vai trò quan trọng hơn so với Proton trong tập đoàn Geely khi chiếm tới hơn 50% doanh số. Trong năm ngoái, doanh số của thương hiệu này hơn 3,3 triệu xe, tăng trưởng 22% so với năm 2023.
Mẫu xe đầu tiên được Geely và Tasco phân phối sẽ là Coolray. Đây là mẫu SUV/crossover cỡ B, dự kiến về nước vào tháng 3/2025 với giá hứa hẹn sẽ “mềm” hơn phần lớn đối thủ trong phân khúc. Hai mẫu SUV/crossover khác cũng được trông đợi là Starray và Monjaro thuộc cỡ C và D. Đây là những phân khúc xe đang nhận được sự quan tâm lớn từ khách Việt.
Ngoài nhà máy và hệ thống showroom lớn, Geely còn có kế hoạch hoàn thiện chuỗi cung ứng linh kiện phụ tùng, thực hiện các hoạt động nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực... tại Việt Nam. Có thể thấy, Geely đã có bước chuẩn bị cẩn thận và bài bản trước khi chính thức bán xe tại Việt Nam.