Trong những năm qua, chính quyền Bắc Kinh đã gây sức ép buộc các tập đoàn lớn ở các ngành công nghiệp chính của mình như sản xuất thép, thiết bị đường sắt và khai thác than hợp nhất. Mục đích của họ là buộc các ngành kinh doanh không hiệu quả phải cắt giảm chi phí, phát triển dòng sản phẩm mới và thu về lợi nhuận. Có vẻ như bây giờ Trung Quốc đang bắt đầu với ngành công nghiệp ô tô.

Trong tuần trước, 3 tập đoàn ô tô quốc doanh lớn của Trung Quốc đã công bố kế hoạch chia sẻ công nghệ, hệ thống truyền động, khung gầm và tài sản của họ. Mục tiêu cuối cùng? Thành lập nên một tập đoàn ô tô với quy mô toàn cầu đủ sức cạnh tranh với bất kỳ đối thủ nào.

Vào ngày 1/12, tập đoàn FAW, Dongfeng Motor và Chongqing Changan Automobile đã ký tên vào thỏa thuận hợp tác tại Vũ Hán –"thủ phủ" của Dongfeng, đồng thời công bố lộ trình phát triển chung giữa 3 phía.

Trung Quốc và tham vọng thành lập đại tập đoàn ô tô quốc doanh - Ảnh 1.

Liên doanh giữa 3 tập đoàn trên sẽ là liên doanh có quy mô và tầm ảnh hưởng lớn nhất tại quốc gia châu Á trong thời gian tới.

Đầu tiên, cả 3 sẽ xây dựng chung một trung tâm nghiên cứu và phát triển nhằm đuổi kịp các đối thủ trong lĩnh vực điện hóa, kết nối (Xe với Xe, Xe với người dùng và Xe với cơ sở hạ tầng giao thông), cùng khai thác/phát triển và sử dụng vật liệu trọng lượng nhẹ. 

Sau khi hoàn tất giai đoạn 1, họ sẽ chuyển sang phát triển khung gầm và sau đó chia sẻ mạng lưới bán hàng cũng như cơ sở sản xuất, khởi đầu từ nội địa Trung Quốc và sau đó là triển khai ở quy mô toàn cầu. Các dịch vụ như chia sẻ xe hay cho khách hàng vay để mua xe cũng sẽ được hợp nhất.

Xét trên mức độ toàn diện của kế hoạch nói tới ở trên, 3 phía chẳng khác gì đang thương thảo một vụ hợp nhất. Dù lãnh đạo của mỗi công ty đều tránh nhắc trực tiếp đến cụm từ này nhưng có nhiều lý do để tin rằng hợp nhất mới là mục tiêu lâu dài mà họ nhắm tới. 

Đầu tiên, hầu hết mảng "cần thiết" và "quan trọng" với một thương hiệu ô tô đều đã được thỏa thuận trên xử lý ổn thỏa. Thứ 2, thông cáo báo chí mà cả 3 công bố đều ám chỉ điều này khi cho biết thỏa thuận "là một động thái thăm dò" nhằm thực hiện kế hoạch dài hạn của chính phủ.

Trong tháng 10 vừa rồi, Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã kêu gọi các doanh nghiệp nhà nước nỗ lực hơn trong việc "tạo ra các doanh nghiệp hàng đầu" trong lĩnh vực sản xuất. Hợp tác Vũ Hán dường như chính là lời hưởng ứng của ngành công nghiệp ô tô nội địa tại đây.

Trung Quốc và tham vọng thành lập đại tập đoàn ô tô quốc doanh - Ảnh 2.

Các dòng xe Trung Quốc chưa bao giờ được đánh giá cao về chất lượng, nhất là trong mắt người tiêu dùng châu Âu và Bắc Mỹ.

Tuy ý tưởng là vậy nhưng không phủ nhận phía chính quyền sẽ không dễ đạt được mục đích thống nhất các hãng xe quốc doanh có quy mô lớn về một khối. Còn nhớ vài năm trước, một tập đoàn lớn khác của Trung Quốc là BAIC Motor đã thất bại trong việc mua lại tập đoàn Fujian Motor dù trước đó 2 bên đã đạt thỏa thuận chung. Rào cản lớn nhất, trớ trêu thay, lại nằm ở vấn đề chính trị. BAIC được kiểm soát bởi Bắc Kinh trong khi Fujian Motor thuộc sở hữu của tỉnh Phúc Kiến. Sau một thời gian dài đàm phán, cuối cùng chính phủ Phúc Kiến quyết định không từ bỏ "trụ cột kinh tế khu vực" của mình.

Ít nhất lần này, sẽ không có rào cản tương tự ngăn cản FAW, Dongfeng và Changan đến với nhau, đơn giản bởi cả 3 đều do chính quyền trung ương kiểm soát trực tiếp. Câu hỏi đặt ra là bộ máy lãnh đạo ở các phía sẽ sát nhập với nhau thế nào? Các dòng sản phẩm trùng lặp sẽ được chọn lựa và đào thải ra sao? Hàng trăm ngàn công nhân của họ sẽ đi về đâu?

Trung Quốc và tham vọng thành lập đại tập đoàn ô tô quốc doanh - Ảnh 3.

Cả chính phủ Trung Quốc lẫn các doanh nghiệp ô tô quốc tế đều có bài toán riêng cần giải.

Nếu Trung Quốc thật sự muốn, họ có thể dùng quyền lực của mình để giải quyết tất cả, như những gì họ làm với ngành công nghiệp sản xuất thép. 2 tập đoàn hàng đầu của họ với quy mô cực lớn là Baosteel và Wuhan Iron and Steel chỉ mất 2 năm để hoàn tất mọi thủ tục. Đẩy nhanh tiến độ sáp nhập cũng sẽ giúp họ nhanh chóng tìm ra giải pháp hơn cho các vấn đều tất yếu mà hầu hết các thương hiệu Trung Quốc gặp phải trên trường quốc tế: thiếu sản phẩm đủ cạnh tranh trên quy mô toàn cầu; không có nhiều cơ sở sản xuất ngoài Trung Quốc; không có tiếng nói trong phân khúc EV ngay cả tại thị trường nội địa.

Chỉ có điều, chính phủ Trung Quốc sẽ "giải quyết" các đối tác quốc tế hiện tại của 3 phía ra sao? FAW hiện đang sở hữu liên doanh với Toyota, Volkswagen và Mazda; tương tự là Dongfeng với PSA, Honda, Nissan, Renault và Kia. Changan cũng có số lượng đối tác không kém là bao với những Ford, PSA, Mazda và Suzuki. Liệu Trung Quốc có sẵn sàng mạo hiểm các liên doanh này (hiện vẫn đang tạo ra công ăn việc làm cho người dân và nguồn thu ổn định cho chính quyền) vì tham vọng của mình hay không?