Dự kiến tốc độ tối đa cho phép tham gia giao thông của xe cơ giới sẽ được tăng thêm từ 10 km/h.
Dự kiến tốc độ tối đa cho phép tham gia giao thông của xe cơ giới sẽ được tăng thêm từ 10 km/h so với hiện nay. Cơ sở để tăng tốc độ khai thác là do chất lượng cơ sở hạ tầng, ATGT tốt lên do được đầu tư bài bản.
Hạ tầng tốt, xe được chạy nhanh hơn, giảm chi phí vận tải
Quy định về tốc độ phương tiện xe cơ giới đang được Bộ GTVT điều chỉnh bằng dự thảo thay thế Thông tư 13 về tốc độ và khoảng cách của xe cơ giới, xe chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ. Theo đó, quy định về tốc độ và khoảng cách của xe cơ giới, tốc độ phương tiện sẽ được căn cứ theo hiện trạng đường và loại phương tiện. Tốc độ tối đa tham gia giao thông của xe cơ giới dự kiến sẽ được tăng lên từ 10 km/h với mỗi loại đường khác nhau so với hiện nay. Dự kiến, thông tư này sẽ được ban hành đầu năm 2016.
Cụ thể, tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông trên đường trong khu vực đông dân cư là 60 km/h đối với đường đôi (có dải phân cách giữa) và đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên; 50 km/h đối với đường hai chiều (không có dải phân cách giữa) và đường một chiều có một làn xe cơ giới. Quy định hiện hành là 40 - 50 km/h tùy loại phương tiện.
"Mỗi năm, Nhà nước đã phải bỏ ra hàng trăm nghìn tỷ đồng để đầu tư, nâng cấp hệ thống cầu đường. Chất lượng phương tiện cũng ngày càng được cải thiện; Công tác đào tạo, sát hạch lái xe được siết chặt, không có lý do gì để kìm hãm tốc độ xe lưu thông, khai thác hết tiềm năng, lợi thế của hạ tầng mang lại”.
Ông Nguyễn Văn Thanh
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam
Ngoài khu vực đông dân cư, theo dự thảo, tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông được điều chỉnh tùy từng loại. Ô tô con, ô tô chở người đến 30 chỗ ngồi (trừ xe buýt); Ô tô tải có trọng tải đến 3,5 tấn có thể được chạy với tốc độ tối đa 90 km/h (đường đôi có dải phân cách giữa; Đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên) và 80 km/h (đường hai chiều không có dải phân cách giữa; Đường một chiều có một làn xe cơ giới). Ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi (trừ xe buýt); Ô tô tải có trọng tải trên 3,5 tấn có thể được chạy tối đa 80 km/h (đường đôi có dải phân cách giữa; Đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên) và 70 km/h (đường hai chiều không có dải phân cách giữa; Đường một chiều có một làn xe cơ giới).
Ô tô buýt, ô tô đầu kéo kéo sơ-mi rơ-moóc, ô tô chuyên dùng, mô tô được quy định tốc độ tối đa lần lượt là 70 km/h và 60 km/h; Ô tô kéo rơ-moóc, ô tô kéo xe khác, xe gắn máy được quy định tốc độ tối đa lần lượt theo loại đường là 60 km/h và 50 km/h. Đối với các loại xe cơ giới khác như máy kéo, các loại xe tương tự, xe máy chuyên dùng và xe đạp máy, tốc độ tối đa không quá 40 km/h trên mọi đoạn đường, kể cả trường hợp có biển hạn chế tốc độ có giá trị lớn hơn 40 km/h (quy định hiện nay tối đa không quá 30 km/h).
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty CP Vận tải Đất Cảng cho biết, việc điều chỉnh tăng tốc độ xe cơ giới rất có lợi cho doanh nghiệp vận tải và xã hội. Khi tốc độ được điều chỉnh theo hướng tăng, doanh nghiệp sẽ giảm chi phí nhiên liệu, thời gian quay đầu xe nhanh hơn, tăng khả năng chuyên chở nên doanh thu cũng sẽ tăng.
Hạ tầng đường bộ được nâng cấp là cơ sở để tăng tốc độ khai thác (Trong ảnh: QL1 qua Thừa Thiên - Huế) - Ảnh: Ngô Vinh
Chỉ tăng tốc độ tối đa trên những làn đường đủ tiêu chuẩn
Trước ý kiến lo ngại việc tăng tốc độ có khiến TNGT gia tăng, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho rằng, sau 6 năm thực hiện, Thông tư 13 đã nảy sinh một số bất cập. Đó là chưa quy định rõ ràng tốc độ tối đa cho phép đối với từng loại đường, đặc biệt là đường cao tốc, đường đôi có dải phân cách giữa, đường một chiều. Hiện, chất lượng đường đã tốt hơn trước, phương tiện tham giao thông có tiêu chuẩn kỹ thuật cao, hệ thống phanh, điều khiển an toàn hiện đại hơn.
Trên các tuyến cao tốc, người điều khiển xe cơ giới, xe máy chuyên dùng phải tuân thủ tốc độ tối đa, tối thiểu ghi trên biển báo hiệu đường bộ, nhưng không vượt quá tốc độ tối đa cho phép là 120 km/h. Riêng ô tô trên 30 chỗ ngồi, xe buýt, xe tải (có trọng tải trên 3,5 tấn), xe đầu kéo sơ-mi rơ-moóc, xe chuyên dùng, xe kéo rơ-moóc, ô tô kéo xe khác không được phép chạy quá 100 km/h, kể cả trường hợp có biển hạn chế tốc độ có giá trị lớn hơn 100 km/h.
(Trích dự thảo thay thế Thông tư 13)
“Việc điều chỉnh tăng tốc độ hoàn toàn theo thiết kế đường và sẽ không gây gia tăng TNGT. Sau khi điều chỉnh tốc độ, Bộ GTVT sẽ tăng cường các biện pháp quản lý bằng thiết bị công nghệ, giám sát hành trình để theo dõi, phân tích dữ liệu giao thông, hệ thống GSHT được hoàn thiện để quản lý doanh nghiệp vận tải hành khách và hàng hóa, hệ thống camera giám sát vi phạm trật tự ATGT được triển khai để tiến hành “phạt nguội” vào đầu năm 2016”, ông Huyện nói và cho biết, Tổng cục Đường bộ VN đã cập nhật các vụ TNGT, nhất là trên đường cao tốc, nguyên nhân chủ yếu là do lái xe xử lý các tình huống không đúng, không phải chạy quá tốc độ”, ông Huyện nói.
Còn theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, trong thực tế, cơ quan quản lý đều hạ tốc độ khai thác ở hầu hết các tuyến đường thấp hơn tốc độ thiết kế. Có thể là do thời gian trước, kinh tế khó khăn, việc bảo trì chưa tốt nên hạ tốc độ để hạn chế TNGT. Tuy nhiên, những năm gần đây, hạ tầng và tổ chức giao thông đã có bước tiến vượt bậc. Vì vậy, việc tăng tốc độ sẽ giảm chi phí cho phương tiện vận tải. Thời gian giảm, phát huy hiệu quả tuyến đường.
Theo ATGT