“Tôi rất buồn và tiếc cho Vinaxuki”

Chỉ ăn tạm bánh mì với chút rau cỏ, sẵn sàng nuôi thêm cá, bò, lợn, dê xung quanh nhà máy để giúp các công nhân đỡ đói, Chủ tịch HĐQT CTCP Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) Bùi Ngọc Huyên chỉ mong có tiền để làm ra cái xe do chính tay người Việt Nam sản xuất.

Tuy nhiên, giấc mơ hiện thực hóa chiếc xe "ô tô Made in Việt Nam" của vị Chủ tịch này đã trở nên quá xa vời khi mới đây công ty này đã phải quyết định bán nhà máy để trả nợ.

Đây được coi là một cú sốc với Vinaxuki cũng như Chủ tịch Bùi Ngọc Huyên. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của các chuyên gia trong ngành, nó lại là một cái kết đã được dự báo trước.

“Nhà máy Vinaxuki phá sản, tôi không quá bất ngờ vì nó đã có triệu chứng từ nhiều năm nay rồi.

Tôi cho rằng Vinaxuki đã quá say sưa mà không lường trước cũng như tính toán kỹ nên thua đậm quá” – ông Nguyễn Mạnh Hùng - nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam nói.

“Việc nhà máy Vinaxuki phá sản, tôi không quá bất ngờ vì nó đã có triệu chứng từ nhiều năm nay rồi - ông Nguyễn Mạnh Hùng - nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam nói.

Thời gian vừa qua, mua 1 chiếc ô tô ở Việt Nam bằng mua 2 – 3 chiếc ô tô ở nước ngoài.

Mặc dù nước ta đã có hành lang bảo vệ là nâng thuế tiêu thụ đặc biệt lên nhưng vẫn không thể tác động để hỗ trợ công nghiệp ô tô trong nước đi lên được.

Theo lộ trình hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đến năm 2018, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô từ Asean về Việt Nam sẽ về 0%.

Khi đó ô tô từ các cường quốc như: Thái Lan, Indonesia... giá rẻ sẽ tràn qua Việt Nam.

Ông Hùng cho biết, trước đó, khi ngành ô tô đã được Chính phủ thông qua chiến lược phát triển tầm nhìn dài hạn, ông đã rất hi vọng công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển tốt hơn.

Xuân Kiên bắt đầu từ nhà máy khuôn mẫu và phụ tùng ô tô.Tháng 04/2004, doanh nghiệp này được Thủ tướng Chính phủ cấp giấy phép sản xuất, lắp ráp xe ô tô các loại, nhà máy ô tô Xuân Kiên ra đời.

Dự án đầu tư sản xuất ô tô của Xuân Kiên được xây dựng trên diện tích 200.000 m2 gồm 3 nhà máy tại xã Nam Hồng, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội, và xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội.

Có thể nói, Vinaxuki là đơn vị phát triển mạnh mẽ, tiên phong đi đầu trong việc nội địa hóa với kỳ vọng sẽ có sản phẩm mang nhãn mác “Made in Việt Nam”.

“Nhưng tôi rất buồn và tiếc khi Vinaxuki sẽ bán nhà máy sản xuất ô tô số 1 Mê Linh (Hà Nội) và nhiều nhà máy Vinaxuki đã từng hoạt động từ lâu rồi để trả nợ cho ngân hàng và các tổ chức cá nhân khác” – ông Hùng nuối tiếc.

Nhà máy Vinaxuki phá sản: Bài học cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô nội địa

Là một chuyên gia trong lĩnh vực ô tô, vận tải, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, đây là một tín hiệu cảnh báo cho sự đổ vỡ của ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam.

Và nếu Nhà nước không sớm có chính sách hỗ trợ ô tô trong nước thì không chỉ Vinaxuki mà còn nhiều hãng ô tô khác sẽ gặp khó khăn.

Trong đó có một số doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt tâm huyết như Tổng công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam, Trường Hải và một số nhà máy nhỏ khác.

Thậm chí, cả những đơn vị có vốn 100% nước ngoài kinh doanh tại VN cũng đang chật vật.

“Năm 2017, thuế nhập khẩu ô tô sẽ giảm đi. Nếu Nhà nước không có biện pháp kịp thời cứu hãng ô tô trong nước thì tôi tin nhiều doanh nghiệp ô tô sẽ khốn đốn”- ông Hùng nhận định.

Vinaxuki buộc phải bán gấp nhà máy để trả nợ, giấc mơ sản xuất ô tô made in Việt Nam đành dang dở... (Ảnh: CafeBiz)

Vinaxuki buộc phải bán gấp nhà máy để trả nợ, giấc mơ sản xuất ô tô "Made in Việt Nam" đành dang dở... (Ảnh: CafeBiz)

Trong tương lai, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ khó vực lại vì công nghiệp ô tô của nước ngoài đang có xu hướng giảm dần sản xuất trong nước và tăng cường nhập khẩu.

Trong khi đó, người Việt Nam lại “sính ngoại”, ưa chuộng xe nhập khẩu. Đối với thị trường trong nước, xe càng nội địa hóa nhiều, người dùng càng không tin cậy. Suy nghĩ này đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất ô tô trong nước.

Chưa kể tới việc, về lâu dài khi các FTA được kí kết thì ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nhiều khả năng bị "xóa sổ" hay nói cách khác là sẻ rẽ hẳn sang hướng nhập khẩu là chủ yếu.

Do Việt Nam không có ngành công nghiệp phụ trợ nên sản xuất ô tô thực chất vẫn mang xu hướng lắp ráp là chính.

Doanh nghiệp Việt chưa sản xuất ra được sản phẩm nội lực trong nước, thay vào đó, chủ yếu họ mua thiết bị về lắp ráp. Vì vậy, chưa tạo ra giá trị lớn.

Tại Vinaxuki phụ tùng cho xe 4 chỗ gần như nhập 100%, xe tải nhập khoảng 80%, chỉ có lốp với thùng xe là được làm tại việt nam. Tính ra, nội địa hóa xe tải cũng được 25-27%, còn xe 4 chỗ chỉ vỏn vẹn khoảng 5-8%.

Việc Vinaxuki phải bán gấp nhà máy để trả nợ có thể coi là một bài học cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước.

“Theo tôi, các doanh nghiệp ô tô Việt Nam nên tính toán, nghiên cứu kỹ càng việc sản xuất ô tô trong nước, để có sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng và ngành vận tải.

Đồng thời, các hãng cần làm việc với Nhà nước để có yêu sách tốt nhất để cạnh tranh với nước ngoài.

Mặt khác cũng không nên quá tham lam. Cần xem xét thị trường Việt Nam cần loại ô tô nào và tập trung sản xuất một loại thôi, chứ không nên ôm đồm sản xuất nhiều loại.

Vinaxuki đã từng gặp phải tình trạng này, ôm quá nhiều từ sản xuất ô tô tải cho tới ô tô con nhưng đều không thành công. Do đó, các doanh nghiệp đừng nên vội vã. Sản xuất các xe chất lượng cao phải thận trọng.

Chọn sản phẩm nào Việt Nam cần nhất, phù hợp nhất. Hiện tại, trong nước cần xe tải nhiều hơn, nhất là xe trọng tải lớn.

Xe con cũng cần nhưng không thể cạnh tranh với Thái Lan, Indonesia. Hơn nữa, khi thuế nhập khẩu giảm thì cạnh tranh rất khó” – ông Hùng phân tích.

Theo Phương Nhi - Soha/Trí Thức Trẻ