Đã từng bị ghẻ lạnh, thậm chí bị "ném đá" tại Châu Âu, Trung Quốc lần này quyết mang xe lên tàu sang Hoa Kỳ lần đầu tham gia triển lãm ô tô Bắc Mỹ.
Trung Quốc vài năm gần đây trở thành công xưởng sản xuất ô tô lớn nhất trên thế giới với công suất thiết kế lên tới trên 20 triệu xe một năm và hiện cung đang vượt quá cầu ở thị trường trong nước.
Chính vì vậy, các nhà sản xuất Đại lục luôn “sục sạo” sang các thị trường khác như họ đã từng mang xe sang Châu Âu.
Tại lục địa già, nhãn hiệu Trung Quốc quả thực chưa thành công và thậm trí có nơi còn bị “ném đá” do "nhái" lại chính mẫu của các hãng tại EU, chưa kể chất lượng chưa đi đến đâu.
Năm 2012, Trung Quốc sản xuất hơn 19 triệu xe nhưng hầu như vắng bóng trong showroom hàng nhập khẩu tại Hoa Kỳ.
Với thị trường Hoa Kỳ, các hãng ô tô Trung Quốc có phần dè chừng hơn vì đây tuy là thị trường xe lớn nhất thế giới nhưng cũng nghiêm khắc nhất và không nương tay với bất cứ sự gian dối nào làm ảnh hưởng tới hơn 300 triệu người tiêu dùng tại đây.
Rất nhiều tuyên bố đưa ra về ý định tham gia vào thị trường ô tô Hoa Kỳ, nhưng cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy điều này sẽ trở thành hiện thực.
Người đến từ “Triều Châu”
Tập đoàn sản xuất ôtô Quảng Châu là đại diện Trung Quốc đầu tiên trong nhiều năm tham dự triển lãm ô tô quốc tế Bắc Mỹ tại Detroit.
Tại triển lãm này, ba chiếc xe "năng lượng mới" được trưng bày trong tiền sảnh của Trung tâm Cobo bao gồm hai chiếc sedan và một chiếc CUV, loại xe mà người Mỹ rất mê.
Đó là Trumpchi, một chiếc sedan bốn bánh hybrid sẽ bán tại thị trường Trung Quốc trong một vài tháng tới, Trumpchi GS5 - mẫu concept CUV chạy điện và E-Jet một chiếc sedan hybrid nhỏ gọn, mỗi lần sạc điện có thể chạy được 62 dặm.
Trong đoạn video quảng cáo, ba chiếc xe lăn bánh trên đường cao tốc, với nền phía sau là Tượng Nữ thần Tự do và cây cầu Brooklyn.
Nhãn hiệu có doanh số bán hàng lớn thứ sáu của Trung Quốc này cho biết họ muốn mở rộng xuất khẩu sang các thị trường phát triển cũng như thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu.
Tại triển lãm này, họ đã công bố mối quan hệ đối tác với Chrysler trong việc cùng gây dựng thương hiệu xe Jeep tại Trung Quốc.
Từ năm 2007, các công ty Trung Quốc như Changfeng, Geely, BYD và Li Shi Guangming đã đến Detroit Auto Show tìm hiểu với những tham vọng tương tự. Nhưng rào cản pháp lý, mạng lưới đại lý khác biệt và chất lượng sản phẩm đã khiến khởi đầu của Trung Quốc khá nhọc nhằn.
"Bất cứ nhãn hiệu mới vào một thị trường mới sẽ phải đối mặt với đà xây dựng khó khăn và khắc phục các vấn đề định kiến chất lượng", ông Eric Lyman, chuyên gia phân tích ALG nói.
Gạt qua một bên những rào cản về văn hóa, sự cám dỗ của thị trường Hoa Kỳ thật khó mà cưỡng lại. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, xuất khẩu là lĩnh vực tăng trưởng mạnh của xe Tàu với 1,06 triệu xe năm ngoái, tăng 29,7% so với năm 2011.
Chuyên gia phân tích Lyman cũng nói rằng "ô tô Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã phải đi qua những định kiến tương tự. Thành công của họ có thể mang lại cho Quảng Châu một số hy vọng”. Nhất là khi Quảng Châu đã từng bắt tay liên doanh với những cái tên như Honda, Toyota, Mitsubishi và, bây giờ là Chrysler.
Ngay cả một việc đơn giản như thuê mặt bằng tại Detroit Auto Show đã minh chứng cho sự hạn chế về tiếp cận đối với công chúng – những chiếc xe của Trung Quốc chỉ được phép trưng bày ở khu vực sảnh chứ không phải là bên trong trung tâm triển lãm như những hãng xe khác.
Các nhà phân tích cho rằng 2015 sẽ là năm ôtô Trung Quốc chính thức tấn công thị trường Hoa Kỳ.