“Mùa gặt” của xe điện đô thị

Xe đạp, xe máy điện hiện diện ở mọi ngóc ngách tại các đô thị lớn: Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn. Có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh học sinh trong bộ đồng phục, thanh niên, người già lái những chiếc xe điện trên từng con phố.

So với năm 2012, năm nay các mẫu xe điện phong phú, đa dạng hơn nên giá cả hầu hết các loại xe đều ổn định. Chị Hằng – Chủ một cửa hàng xe chuyên bán xe điện trên Phố Huế cho biết, trên thị trường có đến hơn 60 mẫu mã xe đạp và xe máy điện khác nhau, đủ các hãng từ Yamaha, Honda, Bridgestone… giá các loại xe dao động từ 5 đến 16 triệu đồng/ xe, cá biệt có những xe điện làm giống xe ga với giá hơn 20 triệu đồng. Cũng theo chủ cửa hàng này thì vào thời điểm trước và gần ngày khai giảng năm học mới, mỗi ngày cửa hàng chị bán được gần 10 chiếc, chủ yếu là xe máy điện.

Xe điện: Xe nhỏ, nỗi lo lớn 1
Xe đạp, xe máy điện đang là phương tiện được học sinh ưu thích

Lý do gì khi thị trường xe máy truyền thống đang ế ẩm mà thị trường xe điện lại phát triển mạnh mẽ đến vậy? Nguyên nhân một phần do sự ổn định về nhiên liệu, thân thiện với môi trường, phù hợp với đô thị, một phần nữa là sử dụng xe này không cần có bằng lái. Một phần lý giải nguyên do từ những người sử dụng thì: “Xe điện giờ mới là sành điệu, không phải bằng lái nên ai lái cũng được” – Một em học sinh trường Nguyễn Du chia sẻ.

Tiềm ẩn “vấn nạn giao thông”

Dựa vào đặc tính của xe điện, người tham gia giao thông trên phương tiện này đã tùy biến xe điện thành top 1 xe vi phạm luật giao thông. Vô tư vượt đèn đỏ, đèo ba, không đội mũ bảo hiểm đã trở nên quen thuộc với hầu hết người đi xe điện. Mặc dù đã có quy định xử phạt với xe điện nhưng lực lượng Cảnh sát giao thông vẫn gặp khó bởi việc xử lý vi phạm đối với loại phương tiện này vì hầu hết người vi phạm đều là học sinh, chưa đến tuổi thành niên, không có giấy tờ, không có tiền phạt…

Xe điện: Xe nhỏ, nỗi lo lớn 2
Các cửa hàng xe điện luôn tấp nập khách đến xem và mua hàng

Nguy cơ thứ 2 đến từ nguồn xe điện hiện nay, công tác quản lý mặt hàng này đang bị thả nổi. Một chủ cửa hàng chuyên nhập xe điện từ Trung Quốc cho biết, hầu hết sản phẩm Yamaha, Honda đang bán trên thị trường đều là hàng nhái. Một loại là nhái sản phẩm gốc, còn loại thứ hai là tự làm sản phẩm riêng rồi gắn mác các thương hiệu nổi tiếng. Nguồn hàng này nhập chủ yếu dựa vào kê khai, khai báo không phải đăng ký, đăng kiểm như các loại phương tiện khác nên về chất lượng cũng không ai có thể đảm bảo về độ an toàn cho những chiếc xe nhái. Đã có những trường hợp cháy xe điện được ghi nhận.

Không thể tiếp tục thả nổi

Một bài học lớn đến từ thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Thành phố có hơn 4 triệu xe ô tô và luôn trong tình trạng đường sá kẹt cứng, người dân đã chọn xe đạp điện để di chuyển. Thiếu chính sách quản lý khiến cho giao thông Bắc Kinh càng hỗn độn, xe đạp điện không gây tiếng động, lạng lách tốc độ cao tăng nguy cơ gây nguy hiểm cho chính người điều khiển. Hơn nữa, một số lượng xe điện cũ, hỏng, ắc qui thải hồi khiến Bắc Kinh giờ giống một “nghĩa địa xe đạp điện”, ảnh hưởng lớn tới môi trường.

Tại Việt Nam, các cơ quan chức năng cần phối hợp nhanh chóng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về quy chuẩn kỹ thuật, kiểm tra chất lượng để làm căn cứ để quản lý và kiểm tra kỹ thuật an toàn với xe điện. Nếu không sớm có biện pháp, chỉ trong thời gian ngắn, xe điện sẽ là nguyên nhân chính gây tai nạn và ùn tắc giao thông, chưa kể bài học nhãn tiền về môi trường ở nước bạn. Đến khi đó, câu chuyện của chiếc xe nhỏ sẽ không còn là nhỏ.