(AutoPro) - Người Đức không chỉ nổi tiếng với bia, mà còn nổi tiếng với những xa lộ không bị hạn chế tốc độ - một “thiên đường” cho người đam mê tốc độ. Nhưng gần đây có nhiều tranh cãi tại Đức đã khiến các "tín đồ tốc độ"..."nín thở"!
Những xa lộ của Đức vốn nổi tiếng là “thiên đường cho người đam mê tốc độ”, bởi họ có thể chạy hết tốc độ tối đa mà không bị bất cứ một hạn chế nào. Xét ở một khía cạnh nào đó, “hết tốc lực” cũng trở thành một văn hoá lâu đời của Đức. Tuy nhiên, văn hoá này đang gặp phải những trở ngại trong vấn đề môi trường.
Các nhà môi trường học khẳng định việc hạn chế tốc độ sẽ giảm thiểu tác nhân gây ra hiệu ứng nhà kính. Việc hạn chế tốc độ có thể giảm 5% khí thải trong thành phố và 15% về lâu dài; và nếu tốc độ tối đa hạn chế ở 120km/h, toàn nước Đức sẽ giảm được khoảng 30% lượng khí CO2 độc hại.
Ngược lại, các nhà sản xuất xe hơi Đức lại đưa ra lý lẽ rằng, việc không hạn chế tốc độ sẽ buộc các hãng sản xuất phải cải thiện độ an toàn cho xe, từ đó gián tiếp đóng góp một phần cho nền kinh tế phát triển. Thực tế, các nhà sản xuất xe hơi Đức cũng có một thỏa thuận ngầm để hạn chế tốc độ cực đại cho xe ở mức 250km/h.
Tại Đức chỉ có 30% hệ thống đường cao tốc có quy định về tốc độ. Còn lại, các phương tiện giao thông có thể chạy với bất cứ tốc độ nào, miễn là người lái cảm thấy đủ an toàn.
Trong chính phủ Đức cũng có những ý kiến trái chiều nhau. Nữ thủ tướng Đức Angela Merkel ủng hộ truyền thống “tốc độ” của người Đức. Bà khẳng định rằng sẽ không ban hành quy định hạn chế tốc độ trên đường cao tốc.
Ngược lại, Đảng Dân chủ Xã hội của Đức lại ủng hộ quy định hạn chế tốc độ ở vận tốc 130km/h.
Vừa qua, thành phố Bermen của Đức đưa ra quyết định hạn chế tốc độ 120km/h trên đường cao tốc. Tuy nhiên đây vẫn còn là điều may mắn cho những nguời ham mê tốc độ, bởi lẽ đoạn đường đó chỉ dài có 60km. Tức là chỉ sau nửa tiếng đồng hồ trói bụôc, lái xe lại có thể thoả sức sử dụng hết tốc lực như mình mong muốn.
Trái với dự đoán, có đến hơn 60% người dân Đức tỏ ý đồng tình với việc ban hành quy định hạn chế tốc độ trên đường cao tốc. Tuy nhiên, quy định này sẽ khó được đưa thành luật, bởi lẽ nó không được ủng hộ từ phía Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo của Thủ tướng Merkel.
Hơn nữa, phe phản đối hạn chế tốc độ lại luôn có những lý lẽ rất thuyết phục. Như tờ The Financial Times Deutschland đã viết: “Việc lái xe hết tốc độ với người Đức cũng giống như nước sốt đối với người Ý hay bánh mỳ đối với người Pháp. Không một người Ý hay người Pháp nào “cả gan” loại bỏ những nét văn hoá của đất nước mình”.
Và nét văn hoá đầy đam mê và thử thách này luôn là mơ ước đối với những người đam mê tốc độ.
Theo MotorAuthority