Theo Tân Hoa xã, một phần lý do mà Bộ Kế hoạch Trung Quốc “từ chối” gói thầu của một công ty nước này trong việc mua lại thương hiệu Hummer của tập đoàn General Motors (GM) là do dòng xe này đi ngược lại với các tiêu chí bảo vệ môi trường của Bắc Kinh. Trong khi đó, theo những đánh giá của Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc, tập đoàn cơ khí công nghiệp nặng  Sichuan Tengzhong - đối tác trong thương vụ mua bán này của GM hiện đang còn thiếu những chuyên môn cần thiết để có thể điều hành Hummer. 

Tính đến thời điểm hiện tại, Tengzhong vẫn chưa đạt được một thoả thuận cụ thể với GM nhưng tập đoàn này vẫn đang tiếp tục đưa ra những đề xuất với đối tác của mình và luôn tỏ thái độ hợp tác với chính phủ. 

Với những bánh xe ngoại cỡ, “cân nặng” trên 3 tấn và được lấy cảm hứng từ những chiếc xe quân sự của Mỹ, Hummer được nhiều người biết đến trong suốt cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Tuy nhiên, doanh số bán hàng của dòng xe này đang bị sụt giảm mạnh mẽ do giá xăng dầu ngày càng leo thang. 

Tập đoàn Tengzhong đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi trở thành “ứng cử viên sáng giá” trong thương vụ mua lại Hummer sau khi GM nộp đơn xin phá sản. Hiện cả hai tập đoàn đều từ chối công bố thông tin về giá cả của vụ mua bán.  

Các chuyên gia phân tích trong ngành công nghiệp ôtô đang đặt ra câu hỏi tại sao Tengzhong - một tập đoàn chuyên sản xuất các loại xe dùng trong xây dựng như xe trộn xi măng và xe tải kéo lại có thể trở thành công với thương hiệu Hummer, còn được biết đến với cái tên “Han Ma” hay “Bold Horse” tại Trung Quốc như vậy. 

Tengzhong cho biết tập đoàn này sẽ đầu tư nghiên cứu để cải tiến Hummer thành một dòng xe tiết kiệm nhiên liệu hơn và có thể sẽ vẫn đặt trụ sở và nhà máy sản xuất tại Mỹ. Việc làm này sẽ giúp 3000 nhân công tại Mỹ thoát khỏi nguy cơ thất nghiệp.

Trung Quốc đang cố gắng đẩy mạnh việc bảo vệ môi trường và sử dụng những phương tiện tiết kiệm nhiên liệu. Nước này sẽ cắt giảm thuế tiêu thụ đối với những loại xe ôtô sử dụng động cơ nhỏ hơn và khuyến khích các nhà sản xuất xe chế tạo những loại xe chạy bằng điện hoặc bằng nhiên liệu thay thế. 

Đồng thời, Trung Quốc cũng khuyến khích các công ty mở rộng thị trường ra nước ngoài để đa dạng hoá nền kinh tế nhưng cũng cảnh báo họ không nên quá tham vọng và vội vàng. 

Tengzhong là một tập đoàn tư nhân, vì vậy nó sẽ không gặp phải một số những qui định hay hạn chế như các công ty nhà nước. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn có quyền phủ quyết bất kỳ vụ mua lại doanh nghiệp nước ngoài nào của các công ty Trung Quốc như thế này.
 
Theo MSN