Trong khi các hãng xe Nhật khốn đốn tại Trung Quốc do tranh chấp biển đảo, Subaru đã từng thất bại trong việc mở nhà máy ở đây, lại tái ông thất mã.
“Bán xe ở Đại lục giờ rất khó và thật may mắn khi chúng tôi không xây dựng nhà máy nào ở đây cả”, Yasuyuki Yoshinaga, chủ tịch công ty mẹ của Subaru là Fuji Heavy Industries phát biểu.
Vị chủ tịch người Nhật này kể lại điển tích “Tái ông thất mã” này của người Hoa hôm qua khi đang giới thiệu phiên bản mới của chiếc Forester SUV tại quê nhà.
“Tôi đã từng rất thất vọng khi Bắc Kinh từ chối đề nghị của Subaru lập liên doanh với Chery Automobile với lý do Toyota, cổ đông lớn nhất của Subaru, đã có tới hai nhà máy tại Trung Quốc rồi”, Yoshinaga kể tiếp.
“Nhưng đúng là họa phúc ở đời khó mà có thể lường được”, ông này nhấn mạnh.
Chính sự thất bại trong quá khứ của Subaru này đã giúp cổ phiếu của hãng này dự kiến tăng 83 phần trăm trong năm nay, một con số kỷ lục trên thị trường chứng khoán Tokyo, trong bối cảnh Toyota, Nissan và Honda đang chịu thất bát từ vụ tranh chấp trên biển Hoa Đông đã làm mức bán của họ tại Trung Quốc giảm tới hơn một nửa trong tháng 10.
Và cũng tranh thủ khi các đối thủ đồng hương đang dồn lực vào giải quyết những khó khăn tại Đại lục, Subaru nhanh chân tăng cường bán hàng tại Nhật và Mỹ với hai mẫu ăn khách là BRZ thể thao và Impreza hatchback.
Thủ thuật này đã giúp Subaru sẽ đạt được lợi nhuận tăng khoảng 40 phần trăm trong khi Honda và Nissan có thể phải gạch đi 25 phần trăm lợi nhuận dự kiến trong năm nay.
Tư duy ngắn hạn
Trong khi đó, giới quan sát thì coi sự hả hê của Subaru như một “trò trẻ con” bắt nguồn từ những tư duy ngắn hạn.
Thực chất nếu sản xuất được ở Trung Quốc thì Subaru đã không phải chịu khoản thuế nhập khẩu tới 25 phần trăm, một trong những lý do nhãn hiệu Subaru ít nhìn thấy trên những con đường ở Đại lục.
Đơn cử nếu Subaru chỉ bán được có 57 ngàn xe vào năm ngoái thì con số của liên doanh Nissan – Dongfeng là 1.25 triệu chiếc.
“Có thể hiện tại Subaru đang hưởng sái của cuộc khủng hoảng chính trị, nhưng xét về lâu dài Subaru sẽ không thể phát triển hơn được nếu không làm được trò trống gì đó ở Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới”, nhận định của nhà phân tích thị trường Masatoshi Nishimoto tại hãng IHS Automotive, Tokyo.
Giám đốc tài chính của Fuji Heavy Industries, công ty mẹ của Subaru, ngài Mitsuru Takahashi lại có vẻ chia sẻ nhận định này bất chấp đi ngược với tuyên bố của ngài chủ tịch.
“Chúng tôi chẳng may mà có chút thành công thôi vì hoàn cảnh đã đưa chúng tôi vào con đường có lợi thế trong hiện tại” ông này chia sẻ.
“Do vậy nên không nên coi lợi thế này là vĩnh viễn” Nishimoto nhấn mạnh.
Thực chất cổ phiếu của Subaru đã tăng tới 28 phần trăm ngay từ khi cuộc tranh chấp quần đảo Điếu Ngư, hay Senkaku trong tiếng Nhật, nổ ra hôm 14 tháng 9 vừa rồi.
Trong khi cả Tokyo và Bắc Kinh đều đang tuyên bố chủ quyền tại khu vực có vài hòn đảo nhỏ này, các cuộc biểu tình chống Nhật đã nổ rầm rộ tại Trung Quốc bao gồm cả việc bài đồ có xuất xứ Nhật Bản và thậm chí là đốt xe Nhật.
Ba nhãn hiệu đầu đàn Toyota, Honda và Nissan đồng loạt thông báo giảm công suất tại đây khi sức mua giảm trông thấy suốt từ tháng chín.
Toyota thông báo họ sẽ phải gạch đi 200 ngàn xe trong kế hoạch bán hàng từ giờ đến cuối năm, con số tương đương với hơn 300 triệu đô giảm trừ doanh thu.
Trong khi Honda tính toán trong năm nay họ sẽ chỉ bán được khoảng 620 ngàn xe so với kế hoạch 759 ngàn xe, Nissan tính tới kế hoạch chuyển bớt một nhà máy sang Thái Lan.