Trông như một chiếc ghế văn phòng nhưng chiếc xe điện cá nhân (PET) của nhóm SV tự động hóa ĐH Bách Khoa HN lại là một sản phẩm công nghệ cao đích thực.
Công nghệ cao, giá thành thấp
Cao 1,5m, rộng 0,8, dài 0,6m, chiếc xe điện cá nhân PET (Personal Electric Transporter) của hai sinh viên Nguyễn Duy Đỉnh và Phạm Tuấn Anh, (lớp Tự động hóa 3 - K49, ĐH Bách Khoa HN) có thể di chuyển linh hoạt: tiến, lùi, rẽ trái, rẽ phải, xoay vòng tại chỗ với tốc độ 15km mỗi giờ.
Đặc biệt, để thực hiện các thao tác trên, nguời dùng chỉ cần bấm nút, bẻ, xoay cần điều khiển dạng joystick đặt phía trước xe. Tính năng này giúp PET trở nên thân thiện với người sử dụng là người già, nguời tàn tật.
Đặc điểm nổi bật ở PET là sử dụng cùng lúc hai động cơ điện một chiều không chổi than (BLDC), mỗi động cơ điều khiển một bánh xe. Nhờ vậy, hệ thống truyền động của xe trở nên đơn giản hơn so với các xe cùng loại do nước ngoài sản xuất, do đó, hạn chế được các hỏng hóc có thể gặp phải.
Bên cạnh đó, cơ cấu truyền động đơn giản giúp xe nhạy với lệnh điều khiển, giúp giảm thời gian đáp ứng lệnh di chuyển xuống còn vài trăm mili giây. Ngoài ra, việc sử dụng động cơ BLDC còn giúp tăng tuổi thọ thiết bị, ít phải bảo trì, bảo dưỡng so với các động cơ một chiều truyền thống.
Ngoài phanh điện, xe cá nhân PET còn có phanh tay cơ học
Với ý tưởng về xe điện cá nhân, nhóm của sinh viên Nguyễn Duy Đỉnh đã được trao giải nhất cuộc thi Nghiên cứu Khoa học Sinh viên của trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Không chỉ vậy, nhận được thông tin về sản phẩm độc đáo này, nhiều doanh nghiệp đã hứa hẹn hợp tác với nhóm của Nguyễn Duy Đỉnh, bàn cách thương mại hóa sản phẩm.
Trợ lý Giám đốc Công ty Thương Mại Dịch vụ Sản xuất Tùng Lâm, một trong các "đối tác" của nhóm nghiên cứu, anh Nguyễn Công Tuấn, nguời thường xuyên làm việc trực tiếp với Nguyễn Duy Đỉnh nhận xét: "Chế tạo xe điện cá nhân PET là một ý tưởng tốt, thuật toán điều khiển hiệu quả và sự ưu việt nhất của phương tiện nằm ở hai bánh xe chủ động và khả năng phanh bằng điện".
Tuy nhiên, theo anh Tuấn, xe điện PET cần thay đổi thêm một chút, ví dụ, thêm số bánh xe để tăng hệ số an toàn, và kiểu dáng cần thiết kế phù hợp hơn cho những người lớn tuổi, đối tượng sử dụng chính của phương tiện.
Trải qua hai năm thiết kế, chế tạo với nhiều mẫu thử nghiệm, hiện xe điện cá nhân PET đã dần hoàn thiện và có thể xuất hiện trên thị trường nếu điều kiện cho phép. Nguyễn Duy Đỉnh cho biết, hiện xe mẫu có giá 1.000 USD, rẻ hơn nhiều so với các xe cùng loại của Thái Lan (khoảng 5.000 USD) và Mỹ (khoảng 6.000 USD). Tuy nhiên, theo nhóm chế tạo, nếu được thương mại hóa hoàn toàn, giá thành của xe còn có thể giảm xuống, mức từ 400 USD tới 500 USD, tương đương một chiếc xe đạp điện.
Chế tạo ô tô điện: Cái khó là tài chính!
Với những sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, trở thành kỹ sư như Nguyễn Duy Đỉnh và Phạm Tuấn Anh, xe điện cá nhân PET có thể coi là những thành công đầu đời. Được vậy, không thể không nhắc tới sự quyết tâm và định hướng của người hướng dẫn, tiến sĩ Tạ Cao Minh, Bộ môn Tự động hóa Xí nghiệp Công nghiệp, ĐH Bách Khoa Hà Nội.
Trước đây, đã có một số sinh viên khóa trước thực hiện đề tài về xe điện, tuy nhiên mới chỉ dừng ở mức độ lý thuyết, vì vậy, khi Nguyễn Duy Đỉnh đăng ký nghiên cứu khoa học, tiến sĩ Minh quyết định phải làm một sản phẩm thực tế có thể chạy được trên đường. "Nếu chế tạo ô tô điện thì vượt quá khả năng tài chính, xe đạp điện thì lại không mới vì vậy nhóm đã quyết định làm một chiếc xe điện cá nhân", tiến sĩ Minh nói.