Nâng cao ý thức và phòng tránh tiêu cực

Hiện nay, tại Hà Nội, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật như sử dụng camera cưỡng chế, phát hiện, xử lý vi phạm còn chưa phát huy hiệu quả (có 34 camera quan sát, 1 camera giám sát). Trong khi một số tỉnh thành khác như: T.P Hồ Chí Minh, Kiên Giang, T.P Biên Hòa, Đồng Nai… đều đã lắp đặt và đưa vào hoạt động thành công với mô hình này.

Dự án đầu tư lắp đặt camera giám sát tại 10 nút giao thông tại Hà Nội do Công an thành phố làm chủ đầu tư là dự án góp phần tăng cường năng lực của hệ thống điều khiển giao thông đô thị, nâng cao hiệu quả điều khiển và quản lý giao thông.

img
Camera giám sát đèn đỏ đặt tại ngã tư Cửa Nam

Theo một cán bộ Cục CSGT Đường bộ và đường sắt – Bộ Công An: “Camera vừa có tác dụng răn đe ý thức của người dân khi tham gia giao thông, vừa tránh được tiêu cực trong việc xử lý vi phạm của một số CSGT hiện nay”.

Đã lắp đặt thử nghiệm và sẽ bắt đầu xử phạt

Theo ghi nhận của Autopro, bắt đầu từ giữa tháng 6/2012, Công ty Biển Bạc - một công ty chuyên thiết bị bảo vệ đã bắt đầu lắp đặt camera đầu tiên tại phố Đinh Tiên Hoàng, đoạn giao cắt với Lê Lai, đối diện vườn hoa Lý Thái Tổ.

Theo quan sát, mỗi khi có xe đi với tốc độ cao chạy qua, camera lập tức lóe flash chụp ảnh lại. Như vậy, hệ thống camera giám sát đã được đưa vào hoạt động, còn đến khi bạn nhận được vé phạt trên tay, đó là lúc Công an Hà Nội chính thức… phạt nguội.

img
2 camera được lắp đặt đã đi vào hoạt động (Camera tốc độ trên phố Đinh Tiên Hoàng)

Theo đại diện của công ty trên, ở Hà Nội mới chỉ lắp thử nghiệm ở Đinh Tiên Hoàng (camera bắn tốc độ) và Ngã tư Cửa Nam (Camera đèn đỏ). Kết quả thử nghiệm rất khả quan, trong 6 ngày tại nút Đinh Tiên Hoàng cho thấy có tới 482 phương tiện cả ô tô và xe máy đi quá tốc độ giới hạn 45km/h cho phép trong đô thị.


img
Ngay cả trong điều kiện trời tối, thời tiết xấu, camera ghi lại vẫn rất rõ ràng. 

Phạt nguội… có làm được không?

Hình thức phạt nguội đã được đề xuất từ lâu, nhưng vẫn còn có nhiều vấn đề xoay quanh việc thu phạt. Xử phạt nguội tốn khá nhiều thời gian, sau khi xác minh biển số, tên chủ vi phạm, địa chỉ… Căn cứ vào hình ảnh, CSGT sẽ lập giấy thông báo vi phạm gửi đến chủ xe thông qua công an khu vực. Sau 3 lần gọi, người vi phạm không chấp hành, CSGT sẽ phối hợp với công an địa phương cưỡng chế người vi phạm.

Tuy nhiên, ngay cả khi xác minh biển số, tên chủ xe xong thì không phải đã tìm được người vi phạm, bởi xe bán lâu ngày chưa sang tên, không xác định được địa chỉ người mua, xe đăng ký tỉnh khác lên thành phố tạm trú… Với những khó khăn như vậy, ban đầu, lực lượng chức năng sẽ chủ yếu tập trung vào xe ô tô, đặc biệt là taxi, những xe cơ quan, xe của doanh nghiệp vi phạm.

Dù sao, camera giám sát, cưỡng chế cũng chỉ là giải pháp thứ yếu, là biện pháp sau cùng. Hơn hết vẫn là để người dân tự cần tự giác, nâng cao ý thức trong khi tham gia giao thông, dù có hay không sự có mặt của các lực lượng chức năng.