Sáng 16/9, phòng Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt (PC67), Công an Hà Nội đã họp tổng kết, triển khai một số vấn đề về tăng cường xử lý vi phạm giao thông.

Tổng kết 9 tháng đầu năm thực hiện nhiệm vụ PC67 Hà Nội cho biết, tình hình trật tự, an toàn giao thông ở Thủ đô luôn được giữ vững. Ngoài ra, kế hoạch xây dựng hình ảnh người CSGT Thủ đô thân thiện, tận tụy đạt được nhiều thành quả đáng mừng.

Thời gian tới, PC67 sẽ duy trì lực lượng nữ CSGT hướng dẫn giao thông tại các điểm nóng. Tới đây, lực lượng CSGT thủ đô sẽ được học cách sơ cứu người để cấp cứu và đưa các nạn nhân bị tai nạn giao thông đến bệnh viện một cách sớm nhất.

“Ngoài làm tốt công tác chuyên môn, CSGT phải biết giúp đỡ nhân dân từ những việc làm nhỏ nhất” – Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng PC67 Hà Nội khẳng định.

Theo PC67, thời gian gần đây tại Hà Nội gia tăng nhanh chóng các loại phương tiện “xe điện máy và xe máy điện” tham gia giao thông, vận tốc trung bình của xe này khoảng 50km/h. Đối tượng sử dụng chủ yếu là thanh thiếu niên, học sinh - sinh viên.

Tuy nhiên, phần lớn những người điểu khiển phương tiện này thường vi phạm trật tự, an toàn giao thông như không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, đi hàng 3 trở lên, lạng lách đánh võng… gây mất an toàn giao thông.

Trước tình hình đó, PC67 đã chủ động triển khai nhiều kế hoạch, tăng cường lực lượng phát hiện và xử lý vi phạm. Tính đến thời điểm hiện tại, PC67 đã xử lý 620 trường hợp đi xe đạp điện vi phạm, tạm giữ 28 phương tiện, phạt hành chính 145 trường hợp góp phần ổn định trật tự an toàn giao thông.

Theo Đại tá Đào Vịnh Thắng, từ đầu tháng 9/2013, các trường học bắt đầu bước vào năm học mới, học sinh sinh viên đi xe đạp điện tiếp tục gia tăng và có diễn biến phức tạp, PC67 tiếp tục ban hành kế hoạch số 94/KH-PC67-TM về tăng cường công tác tuyên truyền, cam kết thực hiện các quy định, phát hiện và xử lý nghiêm đến các vi liên quan đến người đi xe đạp điện.

Theo kế hoạch này, 10 đội CSGT trong các quận nội thành sẽ phải tổ chức mỗi đội 4 tổ tuần tra kiểm soát trên các tuyến phố, các cổng trưởng học và nơi tụ tập nhiều học sinh sinh viên để phát hiện và xử lý. Thời gian thực hiện nhiệm vụ tuần tra hàng ngày từ 10-14 giờ và 16-19 giờ và linh động theo diễn biến vi phạm.

“Ngoài lực lượng trên, chúng tôi sẽ cử trinh sát CSGT hóa trang, quay camera những người vi phạm, thông tin cho lực lượng CSGT công khai xử lý. Những trường hợp vi phạm sẽ được báo về cho trường học, cơ sở đào tạo, gia đình người đó để cùng có biện pháp giáo dục” – Đại tá Đào Vịnh Thắng nhấn mạnh.

Theo Soha/Tri Thức trẻ