Cú lao dốc không phanh của GM
 
Từ những năm 1990, GM đã được xếp vào danh sách những hãng sản xuất ô tô cơ nguy cơ phá sản lớn nhất thế giới. GM suýt rơi xuống vực phá sản vào năm 1991 khi doanh thu sụt giảm gây thua lỗ tới 4,45 tỷ USD. Trong nỗ lực tuyệt vọng để cứu GM, Chủ tịch mới Robert Stempel, người thay thế Roger Smith, quyết định đóng cửa tới 21 nhà máy và sa thải 24.000 nhân công. Tuy nhiên, phải đến đời Chủ tịch sau đó là Jack Smith, số phận GM mới được cứu vớt. Thay vì đóng cửa và sa thải, vị Chủ tịch mới áp dụng một loạt chính sách cắt giảm chi phí, thay đổi bộ máy lãnh đạo. Tuy nhiên, những quyết định của ông gây ra một cuộc biểu tình kéo dài 7 tuần tại nhà máy thành phố Flint.
 
img
Nhà máy đã bị đóng cửa của GM năm 2008
 
Rick Wagoner trở thành CEO của GM vào năm 2000. Ông quyết tâm cải tổ GM bằng một loạt hành động cắt giảm mạnh tay. Tuy nhiên, chúng không ngăn được việc GM bị thua lỗ tới 8,6 tỷ USD trong năm 2005 và mất danh hiệu nhà sản xuất xe hơi hàng đầu thế giới vào tay Toyota năm 2007. Cũng trong năm 2007, thua lỗ của GM lên tới 38,7 tỷ USD. Cơn sốt giá dầu vào giữa năm 2008, và ngay sau đó là đà suy giảm kinh tế là hai đòn mạnh liên tiếp giáng xuống GM cũng như các nhà sản xuất ôtô khác.
 
Tính đến tháng 10/2008, GM cùng hai đối thủ Chrysler và Ford đều bị cuốn vào cuộc chiến khốc liệt để duy trì sự tồn tại. Cổ phiếu của 3 hãng không ngừng lao dốc trên sàn phố Wall. Các nhà đầu tư không còn tin vào khả năng phục hồi của ba người khổng lồ ngành xe hơi Mỹ. Chính quyền Bush từ chối chi 10 tỷ USD tiền cứu trợ mặc dù GM đã tuyên bố họ có thể bị phá sản nếu không được chi viện.
 
img
Năm 2009, GM tuyên bố phá sản
 
Năm 2008, GM đón nhận doanh số bán hàng được xem là tệ hại nhất trong thập kỷ. Với việc suy giảm 11% doanh số, lần đầu tiên GM đã để Toyota vượt mặt trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới.
 
Năm 2009, GM chính thức nộp đơn xin bảo hộ phá sản lên tòa án ở khu Hạ Manhattan New York vào đầu giờ sáng ngày 1/6 giờ địa phương, tức tối 1/6 giờ Việt Nam. Theo nội dung đơn, GM có tài sản 82,3 tỷ USD và gánh khoản nợ 172,8 tỷ USD. Với số tài sản này, theo danh sách mà tạp chí Fortune của Mỹ liệt kê, GM đã ghi danh vào lịch sử với vụ phá sản lớn nhất từng có của một doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại Mỹ, đồng thời là vụ phá sản lớn thứ tư trong lịch sử doanh nghiệp nói chung của nước này.
 
Nhân vật thúc đẩy GM tới lựa chọn phá sản, không ai khác, chính là Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ông Obama tin rằng, việc quốc hữu hóa tạm thời hãng xe từng là biểu tượng của chủ nghĩa tư bản Mỹ sẽ giúp cứu được hãng xe này khỏi những kết cục tồi tệ nhất.
 
Phượng hoàng hồi sinh
 
Hiện nay, báo chí thế giới đang nhắc đến GM như hình ảnh của chú phượng hoàng lửa, hồi sinh từ đống tro tàn càng ngày càng rực rỡ và mạnh mẽ hơn. Với việc được chính phủ Mỹ rót thêm 30 tỷ USD, cộng với 20 tỷ được chuyển từ trước cùng những nỗ lực của chính mình GM đã vượt qua khủng hoảng 1 cách thành công.
 
Hơn 1 năm sau ngày tuyên bố phá sản 6/2009, GM đã trở lại mạnh mẽ với việc hồi sinh ngoạn mục bằng đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng.
 
img
Sau 1 năm phá sản, GM phát hành cổ phiếu
 
Sự hồi sinh của GM chính là ở chỗ, họ đã bắt đầu cho ra đời hàng loạt mẫu ô tô mới tinh, hấp dẫn với chiến lược giá cả và thị trường cũng mới. Thay vì những mẫu xe xa xỉ và sang trọng, GM tập trung vào những mẫu xe gần gũi và thân thiện với người tiêu dùng trên toàn thế giới hơn. Với những cải cách trong tư duy sản xuất, GM đã từng bước vực dậy được doanh số bán hàng của chính mình. Năm 2010, GM đã đuổi theo sát nút hãng xe Nhật Bản khi chỉ bán ít hơn đối thủ Nhật 28.000 xe.
 
Cách đây không lâu, GM đã tuyên bố hãng bán được 9,025 triệu xe trong năm 2011. Với doanh số bán hàng kỷ lục này, GM đã vượt qua đối thủ sát nút là Volkswagen, với doanh số bán hàng trong năm 2011 là 8,015 triệu, theo thông tin được đưa trên tờ The New York Times.
 
img

Doanh số bán hàng của GM và Toyota từ năm 2006 đến 2010

Hãng xe Nhật Bản Toyota, ông hoàng 1 thời của ngành sản xuất ô tô thế giới đã từng truất ngôi GM vào năm 2008 đã có 1 năm bán hàng ảm đạm. Theo ước tính, trong năm 2011 Toyota đã bán được khoảng 7,9 triệu xe. Kết quả đáng tiếc này của hãng xe Nhật Bản một phần là do những tác động từ trận động đất, sóng thần hồi tháng 3 tại Nhật và lũ lụt tại Thái Lan gần đây. Toyota cũng tuyên bố, cuối tháng 1, hãng sẽ công bố doanh số chính thức trong năm 2011.

Như vậy, top 3 hãng xe sản xuất ô tô lớn nhất thế giới đã lộ diện, GM đứng vị trí số 1 với 9,025 triệu xe, theo sau là Volkswagen với 8,015 triệu xe và cuối cùng là Toyota với dự kiến là 7,9 triệu xe. Với doanh số bán hàng vượt trội của mình, sau 3 năm bị truất ngôi, hãng xe của Mỹ đã trở lại với ngai vàng mà nó từng thống trị trong lịch sử.
 
"Cuộc chiến" chưa ngã ngủ
 
Không thể phủ nhận việc đăng quang ngôi vị số 1 của GM cũng một phần đến từ sự trượt chân của đối thủ chính là Toyota. Một phần vấn đề của Toyota là do thảm họa động đất và sóng thần tấn công Nhật Bản vào tháng 3 năm 2011, cộng thêm lũ lụt tác động từ vụ lũ lụt tại Thái Lan. 
 
Rebecca Lindland, giám đốc chiến lược của HIS Automotive nói với CNN. "GM có lẽ chưa xứng với ngôi vị đó, khi mà đối thủ lảo đảo và trượt chân. Nhưng đó là những gì GM đã làm để giành lại ngôi vị số 1".
 
img
Liên tục ra mắt những mẫu xe phù hợp là chiến lược cạnh tranh của GM
 
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cuộc chiến ngôi vị nhà sản xuất ô tô số 1 thế giới sẽ cực nóng vào năm 2012 khi tất cả các hãng đều sẵn sàng cho một cuộc cạnh tranh. Hiện tại, Toyota đang đặt mục tiêu bán được 8,48 triệu xe trong năm nay, và hy vọng leo lên trên 9 triệu vào năm 2013. Volkswagen đang đặt mục tiêu cao hơn, hãng hy vọng sẽ bán được 10 triệu xe vào cuối của thập kỷ này.
 
Chắc chắn rằng, Toyota sẽ không chịu ngồi yên nhìn vị trí số 1 của mình lại về tay người Mỹ, sau quảng thời gian 1 năm vật lộn với thiên tại, hãng xe Nhật Bản chắc chắn sẽ trở lại mạnh mẽ hơn trước đúng như cá tính của tinh thần Samurai nước Nhật.
 
img
Sau khủng hoảng Toyota sẽ nỗ lực hơn trước
 
Không chỉ thế, Volkswagen đang là một trong những đối thủ khó lường nhất vào năm 2012. Với những động thái và kế hoạch kinh doanh mới, hãng xe nước Đức muốn thử vận may của mình trước một GM vẫn còn đang yếu ớt ở ngôi vị số 1 và 1 Toyota còn phải dọn dẹp những tàn tích của thiên tai.
 
Có lẽ vì thế, GM còn rất nhiều việc phải làm sau khi đăng quang ngôi vị số 1 thế giới nếu muốn duy trì và giữ ngai vàng này thật lâu.