Câu nói của ông Mitt Romney thậm chí còn được phát trên sóng truyền hình tại Ohio, nơi mà cứ tám công dân thì có một người làm việc trong ngành sản xuất xe hơi. Đó là còn chưa kể tới việc Chrysler đang xây dựng thêm một nhà máy ôtô tại đây. Vụ vạ miệng xảy ra ngay sau khi bản thân Đảng Cộng Hòa tuần trước cũng nói với nhóm người ủng hộ mình tại Ohio rằng Jeep chắc chắn sẽ chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất sang Trung Quốc.

Để đáp trả, ban giám đốc Chrysler, chủ sở hữu của nhãn hiệu Jeep danh giá, cũng đã hòa vào dàn đồng ca chỉ trích của giới phê bình trong nước. "Đây là sự mê sảng của ứng cử viên Đảng Cộng Hòa", đại diện tập đoàn Chrysler phát biểu để phản đối tuyên bố của ông Mitt Romney.

Chính sự cố này đã giúp ông Obama và Đảng Dân Chủ giành được nhiều sự ủng hộ hơn từ giới công nhân tại đại trung tâm của các nhà sản xuất ôtô Hoa Kỳ. Trước đó vài năm, ngài Tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ đã dám chi tới 84 tỉ USD để giải cứu ngành công nghiệp ôtô kỳ cựu.
 
Động vào Jeep, ứng viên Đảng Cộng Hòa hứng chịu búa rìu 1
Ông Mitt Romney bị chỉ trích vì vụ vạ miệng liên quan đến biểu tượng Jeep.

Trong khi đó, ông Mitt Romney đã từng nhóm lên ngọn lửa giận dữ bằng tư tưởng “cứ để Detroit chết một cách tự nhiên” khi cuộc khủng hoảng đang ở giai đoạn cao trào nhất. Ngược lại, Romney trong phần thuyết trình của mình đã xướng lên: “Thực chất thì chính Obama đang đẩy GM và Chrysler vào vực phá sản và bán Chrysler cho người Ý để rồi họ sẽ sản xuất Jeep tại Trung Quốc”.

Ngay sau câu nói trái khoáy và “tiền hậu bất nhất” này , tỉ lệ ủng hộ Obama tại khu vực Ohio lại tăng lên 2,1%, theo thống kê của Ủy Ban Bầu Cử bang.

Về phần mình, giám đốc điều hành Chrysler Sergio Marchionne khẳng định kế hoạch sản xuất Jeep tại Trung Quốc chỉ là dấu hiệu của sức mạnh và sự phát triển khi muốn vươn xa hơn nữa. Ông còn nhấn mạnh, chính Chrysler đã tăng gấp đôi năng suất tại Mỹ và nhận thêm 11.200 việc làm mới khi bắt đầu nằm dưới sự quản lý của Fiat hồi 2009.

Cũng để trấn an tinh thần công nhân, ông Marchionne đã đích thân gửi thư cho toàn bộ cấp dưới khẳng định dây chuyền tại Mỹ sẽ vẫn hoạt động bình thường và sẽ còn đảm nhận vai trò hạt nhân cho các cơ sở sản xuất khác trên toàn thế giới.

Giới quan sát nhận định, nhờ khoản trợ cấp của Obama trong giai đoạn 2008-2009, các hãng sản xuất ôtô của Mỹ đã thoát khỏi vũng lầy khủng hoảng và nguy cơ phá sản. Phần lớn các công ty này hiện này gần như đã hồi phục hoàn toàn, làm ăn có lãi và cơ bản trả hết nợ.