Thủ tục đơn giản

Gần đây, trên các trang web xuất hiện những đoạn quảng cáo khá rầm rộ về chuyện chuyển đổi bằng lái quốc tế để người Việt Nam có thể lái xe ở hầu hết các nước trên thế giới. AutoPro đã liên hệ với một số địa chỉ cung cấp dịch vụ này để tìm hiểu. 

Theo đó, thủ tục để được cấp một giấy phép lái xe quốc tế rất đơn giản. Bạn có thể thực hiện mà không cần phải đến tận nơi, chỉ cần “chụp lại bằng iPhone và gửi qua email” những giấy tờ sau: hộ chiếu hoặc chứng minh thư nhân dân, giấy phép lái xe Việt Nam, ảnh 3x4 “tự chụp bằng điện thoại cũng được” kèm theo thông tin chiều cao, cân nặng và mẫu chữ ký. 

Sau 12 ngày làm việc cùng chi phí từ 110 USD, giấy phép lái xe quốc tế sẽ được gửi đến tận nhà cho người đăng ký. Tiền có thể chuyển khoản hoặc “có người qua lấy”.

Với giấy phép lái xe quốc tế, người dùng được quảng cáo là có thể sử dụng để tham gia giao thông tại 192 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới.

Chuyển đổi bằng lái xe quốc tế: Cẩn thận "tiền mất, tật mang" 1
Trên mẫu ghi rất rõ dòng chữ "International translation", có nghĩa là bản dịch quốc tế.

Không nên lập lờ khái niệm

Không cần bàn cãi thêm về tiện ích khi có một giấy phép lái xe quốc tế như vậy, đặc biệt là với những người hay phải đi công tác hoặc du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề bàn cãi về tính pháp lý của giấy phép lái xe quốc tế.

Hầu hết các đại lý có dịch vụ làm giấy phép quốc tế ở Việt Nam đều là những công ty du lịch và dịch thuật. Các nhân viên tư vấn đều sử dụng từ "giấy phép lái xe quốc tế" nhưng thực chất đây chỉ là một bản dịch hợp pháp của một số tổ chức nước ngoài. Uy tín và phổ biến nhất là 2 tổ chức IAA và IDL. 

Tại trang web của các tổ chức này, người dùng có thể tìm được mức giá gốc, không bị “ăn chênh lệch”, rẻ hơn khá nhiều so với giá mà các đại lý đưa ra, chỉ từ 20 đến 30 USD. Tuy vậy, thực sự những tổ chức này có vai trò và uy tín như thế nào? IAA là tên viết tắt của International Automobile Association, tạm dịch là Tổ chức Xe hơi Quốc tế, chuyên cung cấp các dịch vụ như dịch thuật có công chứng với “tài liệu lái xe quốc tế không chính thức”. 

Chuyển đổi bằng lái xe quốc tế: Cẩn thận "tiền mất, tật mang" 2
"Khái niệm chuẩn" trên website của IDL.

Chị An, một nhân viên tư vấn tại Công ty An Khang, cho biết: “Thẳng thắn mà nói, em chưa từng đi nước ngoài nên cũng không biết bằng lái sử dụng thế nào. Tuy nhiên, nhiều khách hàng làm lắm nên có thể yên tâm”. Có thể thấy rằng, thông tin từ chính những người làm dịch vụ cũng khá mập mờ.

Cao Cường, một du học sinh tại Nhật Bản, một trong những nước có trong danh sách đổi bằng của IDL, tiết lộ: “Không có bằng lái nào ở Nhật được chấp nhận ngoài bằng sở tại. Bằng lái duy nhất được đổi là bằng lái môtô dưới 50 phân khối nhưng vẫn phải thi lý thuyết”. 

Vậy, thực ra giấy phép lái xe quốc tế có tác dụng gì? Theo tài liệu công bố trên trang chủ của IDL, đây là một bản dịch chính thức của giấy phép lái xe được phát hành bởi một cơ quan chính phủ hay một tổ chức tư nhân được chỉ định bởi chính phủ. Giấy phép được cung cấp không phải là bằng lái chính thức và không có quyền pháp lý nào với người sử dụng. 

Đơn giản hơn, đó là một bản dịch của một tổ chức quốc tế, được dịch ra 6 ngôn ngữ, thiết kế đơn giản, dễ hiểu cho cả những quốc gia nói hoặc không nói tiếng Anh. Vì thế, bản dịch bao giờ cũng cần đi kèm với giấy phép lái xe bản gốc để người nước ngoài có thể đối chiếu và kiểm tra.

Với bản dịch này, đương nhiên bạn có thể thuê xe và làm việc với người cho thuê dễ dàng. Tuy nhiên, vấn đề phát sinh sẽ xảy ra khi bạn vi phạm luật giao thông hay xe gặp sự cố, tai nạn… Vì thiếu giá trị pháp lý nên khi bị cảnh sát giao thông nước ngoài kiểm tra, bạn sẽ vẫn gặp rắc rối. Nghiêm trọng hơn với trường hợp xe gặp tai nạn, các hãng bảo hiểm sẽ chỉ chấp nhận bồi hoàn khi bằng lái được công nhận tính pháp lý. 

Ảnh: Internet