Dự thảo Nghị định về Thanh toán bằng tiền mặt do Ngân hàng Nhà nước soạn thảo đang được dư luận đặc biệt quan tâm với các quy định cấm dùng tiền mặt mua nhà, ô tô, chứng khoán, các tài sản phải đăng ký quyền sở hữu...

Siết giao dịch tiền mặt phải có lộ trình

Tại buổi tọa đàm phân tích Dự thảo nghị định thanh toán bằng tiền mặt của NHNN vừa được tổ chức mới đây, các chuyên gia kinh tế cho rằng đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt để minh bạch hóa các giao dịch kinh tế và phòng chống tham nhũng là cần thiết, tuy nhiên việc siết giao dịch tiền mặt phải có lộ trình.

Việc vội vã đưa ra quy định mua sắm các tài sản lớn không được dùng tiền mặt sẽ làm khó hơn 70% dân số nhất là đối tượng nông dân vốn chưa được tiếp cận các nguồn thu nhập từ ngân hàng. Trong khi, theo số liệu của một số ngân hàng, giải ngân bằng tiền mặt những năm qua chiếm tới 70% tổng số lượng giao dịch.

Nếu quy định này được thực hiện thì người dân sẽ phải gom tiền mặt từ việc kinh doanh nhỏ lẻ đi gửi ngân hàng rồi mới có quyền mua nhà, tậu xe đồng thời với việc phải trả phí cho ngân hàng.

Theo Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc nghiên cứu chương trình giảng dậy kinh tế Fulbright, vì chúng ta thiếu các các tầng kiểm soát trong giao dịch nên khi chúng ta muốn thực hiện một biện pháp nào đó thường chặn đột ngột. Một chuyên gia kinh tế khác cũng cho rằng, các biện pháp thường chỉ nhắm vào việc thực hiện mục tiêu chứ chưa thực sự khả thi và phù hợp với mặt bằng hiện tại.

Luật gia Hoàng Đức Thịnh cũng cho rằng thời điểm này không nên cấm ngay mà chỉ nên đưa ra các biện pháp khuyến khích thanh toán không bằng tiền mặt.

Cấm cũng khó khả thi

Các giải pháp hạn chế thanh toán bằng tiền mặt mà dự thảo Nghị định đưa ra như cấm giao dịch, tăng phí rút tiền mặt (ít nhất cũng cao hơn phí chuyển khoản), hạ hạn mức được phép giao dịch bằng tiền mặt từ 30 triệu xuống 20 triệu đồng... được xem là sẽ lợi bất cập hại nếu được áp đặt vội vàng.

Với hạ tầng ngân hàng như hiện nay, việc thanh toán, chuyển khoản thường chậm trễ ảnh hưởng tới các giao dịch, nhiều người dân chưa thực sự tiếp cận được dịch vụ thanh toán qua ngân hàng, việc ban hành lệnh cấm giao dịch sẽ làm méo mó thị trường, quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng, chỉ có ngân hàng là được lợi vì thu được phí, huy động được thêm tiền. Nhà nước sẽ có thêm thông tin về các khoản giao dịch, nhưng mục tiêu chống tham nhũng cũng chưa đạt được do chưa đủ công cụ để xác minh nguồn gốc của các khoản tiền này.

Ở một số nước trên thế giới, thanh toán không dùng tiền mặt rất phát triển bởi người dân nhận tiền lương, tiền công qua ngân hàng, bán hàng thu tiền về qua thẻ tín dụng.... đồng thời giá dịch vụ thanh toán rẻ, chất lượng tốt, tiện lợi hơn thanh toán bằng tiền mặt. Ở Việt Nam chưa thể có được điều này do vậy cần giảm phí thanh toán, tạo điều kiện cho người không dùng tiền mặt chứ chưa nên tính chuyện tăng phí rút tiền mặt.

Một chuyên gia đơn cử: Cần quy định các giao dịch có giá trị cao như mua bán bất động sản, phương tiện giao thông... phải thanh toán qua ngân hàng mới được coi là chi phí hợp lệ hoặc được nộp thuế trước bạ, sang tên, cấp sổ đỏ... Điều này sẽ khuyến khích người dân không giao dịch bằng tiền mặt. Sau khi dịch vụ của ta tốt hơn, tạo được thói quen cho người dân thì mới nên đặt lệnh cấm. Nếu cấm mà không khả thi thì lại dẫn tới chuyện nhờn Luật, một chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu QLKT Trung ương nhấn mạnh.

Cấm sẽ nảy sinh tình trạng lách luật

Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị định 161 của Chính phủ quy định thanh toán bằng tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước chỉ rõ: “Hiện tại các quy định liên quan đến lĩnh vực thanh toán đang được điều chỉnh ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Một số quy định cho phép các đối tượng áp dụng tự lựa chọn phương thức thanh toán theo hình thức thỏa thuận giữa các bên. Điều này gây khó khăn trong việc xây dựng nghị định hướng dẫn các đối tượng áp dụng thực hiện hạn mức thanh toán hay lựa chọn phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, hoặc là cơ sở để các đối tượng thực hiện các biện pháp lách luật thông qua hình thức như: tách hóa đơn hoặc lập hợp đồng giả với mức thanh toán dưới hạn mức thanh toán tiền mặt...”.

Theo GTVT