Mới đây, một nhà phân phối ô tô với 80 cửa hàng tại Trung Quốc đã tuyên bố phá sản vào tuần trước. Đây được xem là hậu quả của một thị trường cạnh tranh khốc liệt mà được dự đoán sẽ tiếp tục diễn ra trong một năm nữa. 

Thị trường xe Trung Quốc 'xuống ghềnh'? 1 gã khổng lồ sụp đổ, nhân viên bị nợ lương, khách mua xe vất vả - Ảnh 1.

Một nhà phân phối xe lớn tại Trung Quốc đã tuyên bố phá sản. Ảnh minh họa: AFP

Guangdong Yongao Investment Group là đơn vị mới thông báo phá sản, sở hữu tới 80 cửa hàng phân phối ô tô của nhiều hãng trong và ngoài Trung Quốc tại khắp tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.

Theo Nhật Báo Kinh doanh Quốc gia của Trung Quốc, công ty này thông báo phá sản vào hôm 17/1 vừa rồi, đồng thời cho biết rằng các đơn đặt xe sẽ dừng lại, nhân viên cũng sẽ phải chờ lương. Các hãng xe mà đơn vị này phân phối có thể kể tới như Honda, Volvo, hay thương hiệu Aion của GAC Trung Quốc.

Bloomberg cho biết rằng có nhiều bức ảnh đang lan truyền trên mạng xã hội của Trung Quốc, trong đó cho thấy 20 chiếc xe tải cứu hộ màu vàng, người dùng mạng Trung Quốc cho rằng những chiếc xe đó của ngân hàng, tới để tịch thu xe. Tuy nhiên, Bloomberg cũng lưu ý rằng họ chưa kiểm chứng được thông tin này.

Thị trường xe Trung Quốc 'xuống ghềnh'? 1 gã khổng lồ sụp đổ, nhân viên bị nợ lương, khách mua xe vất vả - Ảnh 2.

Lynk & Co 03 là một trong các mẫu xe được phân phối qua hệ thống đại lý của công ty này.

Tình thế của Guangdong Yongao Investment Group được nhìn nhận là thể hiện nỗi khó khăn chung của các nhà phân phối khi phải đối mặt với nhiều mấp mô. Theo Bloomberg, mục tiêu doanh số của các hãng xe đang thúc ép họ phải đưa xe ra khỏi showroom nhanh nhất có thể, trong khi đó thì nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu chững lại, khiến cho nhiều khách hàng trì hoãn quyết định mua xe nhằm chờ các chương trình giảm giá.

Theo Hiệp hội Nhà phân phối Ô tô Trung Quốc, chỉ có khoảng 1/3 nhà phân phối tại quốc gia tỷ dân này đạt mục tiêu doanh số trong năm 2023.

Guangdong Yongao Investment Group cho rằng tác động của 3 năm Covid, thay đổi trong thị trường xe và kiểm soát rủi ro kém là 3 nguyên nhân đẩy họ qua bờ vực phá sản. Công ty này đã lập ra một kế hoạch quản lý và cố gắng bàn giao xe tới khách hàng, đồng thời trả phần lương nợ nhân viên. 

Các dấu hiệu về một cuộc khủng hoảng tại công ty này xuất hiện sớm nhất từ khoảng tháng 4/2023 khi nhân viên khiếu nại với chính quyền địa phương về việc bị nợ lương. 

Thị trường xe Trung Quốc 'xuống ghềnh'? 1 gã khổng lồ sụp đổ, nhân viên bị nợ lương, khách mua xe vất vả - Ảnh 3.

Doanh số ô tô các năm tại Trung Quốc. Nguồn: Bloomberg

Thị trường xe của Trung Quốc có dấu hiệu đi xuống từ năm 2017 khi đạt đỉnh tiêu thụ 24 triệu xe. Năm ngoái, tổng doanh số ô tô tại Trung Quốc chỉ đạt 21,7 triệu chiếc.

Sau thông báo phá sản, các khách hàng của Guangdong Yongao Investment Group không nhận được nhiều thông tin. Bloomberg đã phỏng vấn một khách hàng, nhận được thông tin rằng vào ngày công ty tuyên bố phá sản, mọi công việc giấy tờ cho xe anh mua sẽ phải dừng lại. Ngoài thông báo này, anh không nhận được thông tin nào khác kể từ hôm đó - 17/1.

Vị khách hàng này đã mua và nhận một chiếc Lynk & Co 03 kể từ tháng 12 năm ngoái, đã liên tục theo sát phía đại lý nhiều tuần để hoàn thành thủ tục đăng ký xe; anh cũng đã trả 14.000 tệ (gần 49 triệu đồng) tiền thuế khi mua xe. Giờ đây, vị khách hàng này sẽ phải gia hạn biển số tạm mà sẽ hết hạn vào ngày 28/1 tới đây để được lái xe ra đường hợp pháp.

Trước tình hình này, nhiều bên đã tham gia nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng, trong đó có một nhóm phóng viên của kênh CCTV sẽ theo sát vụ việc. Cùng lúc, thương hiệu Aion của GAC Trung Quốc cho biết rằng họ sẽ làm việc với phía đại lý để bảo vệ quyền lợi khách hàng.