Erica Slotter, nhà tâm lý học xã hội tại Đại học Villanova, Mỹ, cho rằng, khi chúng ta ngồi trong xe ô tô, chúng ta thường có tâm lý “không ai biết mình là ai”, do đó, sẵn sàng hành động sai trái mà không sợ bị đánh giá. Điều này cũng giống như bạn ngồi sau màn hình máy tính và bình luận hăng hái trên facebook vậy.

Hiện tượng này liên quan mật thiết đến hiệu ứng tâm lý “phi cá nhân hóa” (deindividuation). Khái niệm này được đưa ra lần đầu tiên năm 1950 bởi nhà tâm lý xã hội Leon Festinger. Trong các thí nghiệm của mình, Festinger đã chỉ ra rằng con người có xu hướng đánh mất bản thân khi trở thành một phần của đám đông; đồng thời, luôn muốn phi cá nhân hóa người khác khi họ gia nhập nhóm. Hiệu ứng này làm giảm sự kiềm chế và sự cảm thông của một cá nhân đối với những người khác khi ở trong đám đông.

Là một thực thể xã hội, con người thường có thiện cảm với những người trong nhóm của mình. Điều này lý giải tại sao khi lưu thông trên đường, chúng ta thường dễ tính hơn với những chiếc xe cùng loại hay những chiếc xe đi cùng làn đường và ngược lại, cũng dễ nổi cáu với những chiếc xe “không cùng nhóm”.

Năm 1950, nhà tâm lý xã hội Muzafer Sherif đã thực hiện một nghiên cứu nổi tiếng liên quan đến hiện tượng này. Sherif đã chọn 12 cậu bé trong độ tuổi 12 và chia thành 2 nhóm. Sau một thời gian ngắn sinh hoạt cùng nhau trong một trại hè, các cậu bé được thông báo 2 đội sẽ đấu với nhau trong một trận đấu thể thao. Sau đó, Sherif nhận ra rằng, kể từ khi nhận thông báo, 2 đội trở nên hung hăng và có thái độ thù địch đối với thành viên của đội khác.

Trong trường hợp lái xe trên đường, những “trận đấu” kiểu này rất phổ biến: đó là khoảng thời gian chờ đợi tới lượt khi chờ đèn đỏ, hoặc cơ hội vượt những chiếc xe khác… Do đó, chúng ta luôn trong trạng thái “sẵn sàng chiến đấu” khi lái xe.

Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) cho thấy 66% các vụ tai nạn giao thông chết người đều do hành vi lái xe hung hãn và tỉ lệ này đã tăng gấp 10 lần trong vòng 10 năm qua. Bên cạnh đó, nam thanh niên dưới 19 tuổi chiếm phần lớn tỉ lệ “anh hùng xa lộ”.

Một nghiên cứu chỉ ra rằng, khi lái xe, chúng ta rất dễ nổi cáu với những hành động gặp trên đường như: tạt đầu xe, phóng xe quá tốc độ, xe khác chắn lối đi, đi sai làn đường, không sử dụng đèn xi-nhan, phanh đột ngột… Khi đó, thay vì giữ bình tĩnh, chúng ta thường có suy nghĩ thù địch với người làm sai, và theo bản năng, chúng ta cũng hành động một cách thù địch và hung hãn (chửi thề, hét lên, bấm còi inh ỏi, thậm chí đẩy mình vào tình thế nguy hiểm như tăng tốc, vượt đèn đỏ…).

Tuy nhiên, chúng ta vẫn hoàn toàn có thể kiểm soát được bản thân khi ngồi sau tay lái. Các nhà tâm lý học cho biết khả năng tự kiểm soát sẽ được nâng cao qua quá trình luyện tập với các bài tập đơn giản như: sử dụng tay không thuận nhiều nhất có thể, không sử dụng tiếng lóng, chửi thề trong cuộc sống hàng ngày. Kết quả cho thấy, chỉ trong 2 tuần, những người áp dụng phương pháp luyện tập này có khả năng kiểm soát bản thân tốt hơn hẳn.

Bên cạnh đó, các bác sĩ tâm lý cũng khuyên chúng ta nên rèn luyện để nâng cao ý chí của mình. Khi lái xe, hãy tự nhủ với bản thân rằng, nếu mất bình tĩnh chúng ta có thể đẩy bản thân và người khác vào nguy hiểm.

Hà Vân