"Bậc thầy kỹ thuật" - cụm từ khiến tôi có ngay hai cảm giác: một là khó hiểu và hai là kiêng nể. Tôi mang hai tâm tư đó tới gặp Lê Quốc Cường ở showroom Harley-Davidson Hà Nội để tìm hiểu câu chuyện. Nhưng tới đây, tôi có cảm giác thứ 3 là bất ngờ.

Chàng thanh niên trạc tuổi mình, đeo biển PhD lại có gu nói chuyện chân thành, thật thà và như chỉ đợi tôi mở lời để mỉm cười chia sẻ. Có lẽ, Quốc Cường "thèm" một cuộc nói chuyện như thế này lâu rồi, sau thời gian dài tiếp xúc với những cỗ máy thuần về cơ khí.  

Quốc Cường: Từ chàng rửa xe tới bậc thầy kỹ thuật Harley-Davidson duy nhất Việt Nam - Ảnh 1.

- Xin chào Quốc Cường, cơ duyên nào đã dẫn bạn tới Harley-Davidson, đặc biệt là vị trí mà ít ai ngờ tới là nhân viên rửa xe?

Chính xác là cái duyên đó. Sau khi tốt nghiệp đại học, hồi đó là cuối 2013, mình vào Vũng Tàu để nhận bằng. Nhưng bản thân mình lúc đó thật sự hoang mang. Sinh viên mới ra trường bơ vơ, không có chút định hướng gì và chỉ biết vào nhận bằng và đi xin việc thôi. Cứ có việc gì là mình nhận, miễn là nó không phạm pháp là được.

Thời điểm đó, mình có nhận làm thêm ở một quán bar ở Vũng Tàu để có thêm thu nhập, vừa trang trải cuộc sống cá nhân, vừa phụ giúp ba mẹ.  

May mắn thay, cuối tháng 11, mình nhận được thông tin Harley-Davidson mở đại lý ở Sài Gòn. Chủ nhà hàng ở Vũng Tàu lại đảm nhận vị trí Giám đốc dịch vụ. Ông nói với mình rằng, đại lý đang set up, rất cần người làm những việc lặt vặt bởi nhân sự chính trong xưởng dịch vụ chỉ có 2 người thôi. Thú thực là mình nghe thôi đã thấy hứng thú rồi. Vì lúc đó mình chỉ nghĩ được là cần việc làm ngay thôi, không thể bơ vơ mãi được. Và thế là, mình chuyển vào Sài Gòn làm việc.

Quốc Cường: Từ chàng rửa xe tới bậc thầy kỹ thuật Harley-Davidson duy nhất Việt Nam - Ảnh 2.

- Khởi đầu đó cụ thể như thế nào, thưa Cường?

Lúc mới vào làm, người đứng đầu Harley-Davidson Sài Gòn khi đó là ông Lawson Dixson chia sẻ rằng, trong giai đoạn đầu, họ không cần người nữa và hỏi mình làm gì. Mình chỉ nói được là mới ra trường, đang chờ việc thôi. Ông ấy nói ngắn gọn là: OK, được rồi, chúng tôi sẽ lưu thông tin ở đây và sẽ gọi nếu cần.

Mình khá buồn và chào ra về. Hai hôm sau, ông chủ nhà hàng Vũng Tàu gọi tới nói công việc chính thức thì chưa có nhưng trong xưởng cần việc phụ nên hãy cứ tới làm việc. Làm ngày nào thì trả tiền ngày đó. Mình đồng ý luôn. Công việc được giao chỉ là rửa xe thôi nhưng mình không ngại khó, ngại khổ. Các anh trong xưởng cần người kéo dắt xe hay mua đồ, mình sẵn sàng thực hiện. Lau dọn đồ đạc cũng kiêm luôn vì mọi người đang tất bật chuẩn bị khai trương. Mặt bằng đại lý Harley-Davidson Sài Gòn lúc đó rất nhiều bụi bặm. Xe cộ cũng rất bẩn.

Mình nhớ rằng ngày 30/11, mọi thứ vẫn còn ngổn ngang lắm. Sáng hôm sau 1/12 là khai trương, nên ai nấy cũng vất vả. May mắn tới với mình khi khai trương xong, Giám đốc đã giữ mình lại, tạo điều kiện làm việc. Sau đó, họ gửi mình hợp đồng thử việc chính thức với vị trí là washing boy.

Quốc Cường: Từ chàng rửa xe tới bậc thầy kỹ thuật Harley-Davidson duy nhất Việt Nam - Ảnh 3.

- Tốt nghiệp đại học mỏ địa chất, lại ra làm một việc không liên quan và có phần chưa tương xứng, tâm lý của Cường lúc đó như thế nào?

Mình vui lắm. Tâm lý cũng không đặt nặng nề là phải làm kỹ sư cơ điện này nọ. Mình luôn suy nghĩ trong đầu là, mới ra trường, sự cạnh tranh rất khó khăn. Bản thân mình chỉ cần một công việc vừa để tích lũy kinh nghiệm, vừa có đồng lương trang trải cuộc sống, phụ giúp bố mẹ.

- Đó là Cường nghĩ vậy thôi, còn gia đình thì sao?

Thông báo về cho bố mẹ, gia đình mình cũng mừng lắm chứ. Tuy nhiên, bố mẹ chỉ biết rằng "À, đứa con mình cũng đã có việc rồi" mà không biết rõ con làm gì. Mình chỉ nói đang làm cho một hãng mô tô nhập khẩu và phụ giúp các việc vặt tại đây. Ai cũng động viên, miễn sao mình làm việc nghiêm túc, không xấu xa là được.

- Học và làm không giống nhau, giai đoạn đầu chắc hẳn Cường có nhiều khó khăn có thể chia sẻ, phải không?

Đúng là vậy nhưng cũng không hẳn là khó khăn lắm (cười). Thứ nhất, mình học cơ điện và với một đứa con trai thì chuyện máy móc, xe cộ không phải cái gì đó quá bỡ ngỡ. Con trai mà thấy cơ khí, xe cộ thì rất tò mò, táy máy và thích thú nên khởi đầu có nhiều nhiệt huyết thay vì khó khăn.

Quốc Cường: Từ chàng rửa xe tới bậc thầy kỹ thuật Harley-Davidson duy nhất Việt Nam - Ảnh 4.

Trước đó, như mình kể ở trên, mình từng phục vụ tại quán bar. Chủ nhà hàng này cũng như con của anh ấy đều là những người chơi xe nổi tiếng. Được sống và tiếp xúc với họ, mình đã thu được rất nhiều kiến thức về xe phân khối lớn và những khái niệm cơ bản về xe cộ. Các từ chuyên môn cả tiếng Anh và tiếng Việt đều được cập nhật thường xuyên.  

- Vậy từ lúc nào, bạn ý thức được về việc phải vươn lên?

Khi mới vào làm, các công việc quan trọng không bao giờ được làm cả. Mình hiểu chứ vì các sếp sẽ không thể nào giao các trọng trách cho người thiếu kinh nghiệm được. Nhưng mình luôn tin rằng, nếu mình chăm chỉ, cần cù, không có lý gì mà sếp không nhìn ra và trao các cơ hội mới.

Và thế là, mình làm việc một cách hăng say. Có lúc 8 giờ tối rồi, các anh chị đều mệt và đói nên đi ăn, mình vẫn ở lại lau dọn. Lúc đó, mình phải lau tới 20 chiếc xe. Sàn thi công nên nhiều bụi bặm, mỗi khi dắt xe qua lại là bánh xe sẽ bám bẩn. Sếp mình lại là người kỹ tính. Yêu cầu của ông là làm cho bánh xe đen trở lại thì thôi. Đói lắm nhưng mình vẫn hăng say làm vì chỉ sáng hôm sau là khai trương rồi. Mình luôn tâm niệm rằng, từ những việc mà mọi người coi là "cỏn con" này, mình làm được tốt thì nó sẽ mang lại cho mình những kỹ năng cần thiết sau này.   

Và quả thật, qua quá trình dài như thế, các sếp cũng nhìn ra là: "À, nó làm được!". Nhạy bén và xông xáo, làm gì cũng tỉ mỉ là những điều mà mình muốn mọi người nhận ra ở con người mình.

Quốc Cường: Từ chàng rửa xe tới bậc thầy kỹ thuật Harley-Davidson duy nhất Việt Nam - Ảnh 5.

- Cụ thể là từ thời điểm nào, cơ hội thực sự tới với Cường?

Đó là giai đoạn khoảng Tết Nguyên đán năm 2015. Khi đó, ngoài Hà Nội chưa có dealer. Harley-Davidson tổ chức tour xuyên Việt. Xưởng dịch vụ tại Sài Gòn chỉ có 2 người như mình vừa nói. Nhưng cả hai anh đều có gia đình và cũng không thích đi xa. Chuyến đi này lại kéo dài tới nửa tháng để sửa xe cho những ai đang sở hữu Harley tại Việt Nam. Cứ chỗ nào có xe Harley là các cố vấn gọi điện book lịch. Mình xung phong đi luôn.

Với sự nhiệt thành và tỉ mỉ trong từng công việc trên suốt hành trình, sau khi tour xuyên Việt kết thúc, các khách hàng đều mến mộ và gửi phản hồi tốt về cho đại lý Sài Gòn và các sếp. Mình nghĩ đó là chuyến đi đổi đời.

Quốc Cường: Từ chàng rửa xe tới bậc thầy kỹ thuật Harley-Davidson duy nhất Việt Nam - Ảnh 6.

- Trong suốt quá trình đó, ai là người tạo cảm hứng và ảnh hưởng nhất với Cường?

Chính là ông Dany Wilson. Ông vừa là thầy vừa là bạn. Khi mới khởi đầu tại Harley, mình còn là một thanh niên non nớt, nhìn thấy những người như thầy được đi khắp thế giới thì ngưỡng mộ và thèm thuồng lắm. Ông ấy truyền sự hiểu biết tới rất nhiều người tại Harley và mình muốn được là một trong những người như thế. Mình cũng thấy ông khoác áo đồng phục và những tấm biển phù hiệu cấp bậc. Thực sự lòng khao khát trào dâng lắm.

Thế là mình cố gắng thôi. Ông ấy đi đâu, mình đi tới đó. Ông ấy cần gì thì mình cũng phụ giúp. Mình hiểu là khi họ sang đây làm việc, dù chỉ hơn 1 tháng thôi nhưng khi xa nhà, họ rất bỡ ngỡ nơi đất khách quê người. Và thực tế, ông Wilson cũng không nói chuyện nhiều với mọi người ngoài công việc. Ông cũng chủ động ăn uống một mình. Mình muốn ông ấy hiểu là ngoài công việc thì người Việt cũng "nice" lắm. Nhưng làm thế cũng không phải chủ đích là nịnh nọt gì. Mình chỉ mở lòng vì như thế họ cũng mở lòng với mình.

- Cụ thể là ông truyền dạy những gì cho Cường?

Mình nhận được rất nhiều điều từ ông Wilson nhưng hơn hết là những điều chỉ dạy cơ bản, tạo nên nền tảng của mình hiện tại. Đó cũng là sự chuyên nghiệp cần có ở một người thợ sửa chữa. Đơn cử như cách mà họ sử dụng đồ nghề tưởng như rất đơn giản nhưng ảnh hưởng rất lớn tới công việc. Sau khi anh ấy mở tủ dùng đồ nghề, dùng xong đồ nào là để lại đúng vị trí đó. Điều này hoàn toàn không giống nhứng gì mình nghĩ. Mình nghĩ là trên bàn nâng sẽ phải tùm lum thiết bị và nghĩ rằng việc lấy ra cất vào như thế: "Ủa sao mất thời gian thế nhỉ?".

"Bạn lầm rồi!", ông ấy nhấn mạnh. Ông Wilson chia sẻ rằng, ở Việt Nam, thợ được hãng mua đồ nghề nhưng tại Mỹ, mỗi người thợ phải bỏ tiền túi ra để tự mua. Đồ nghề chính hãng lại rất đắt nên họ phải giữ gìn. Bên cạnh đó, việc tuân thủ quy tắc lấy ra cất vào sẽ tránh được tối đa việc thất lạc. Mà bạn biết rồi đấy, khi đó thời gian tìm kiếm còn tốn hơn. Hiệu suất công việc vì thế mà giảm đi trông thấy.

Quốc Cường: Từ chàng rửa xe tới bậc thầy kỹ thuật Harley-Davidson duy nhất Việt Nam - Ảnh 7.

Hiện tại ở Harley, kỹ năng giỏi thì công việc 1 tiếng sẽ có thể giải quyết trong nửa tiếng thôi. Thời gian dư ra sẽ nhận xe khác. Tức là đi làm 8 tiếng thì bạn có thể kiếm tiền tương đương 16 tiếng. Trong khi mất đồ nghề, bạn sẽ vừa phí thời gian vừa mất tiền có thể kiếm được. Thế là mình quen với việc cất gọn gàng đồ dùng từ đó. Khách hàng nhìn ngoài vào cũng thấy khác. "Mang tiếng là dealer nước ngoài mà bầy bừa ra khác gì cửa hàng ngoài" – đó là câu mà mình không hề muốn nghe.

- Trong quá trình tiếp xúc như vậy, hẳn giữa hai người sẽ có sự khác biệt về ngôn ngữ và cả kiến thức. Cường giải quyết như thế nào?

Tiếng Anh chuyên ngành rất khó nhưng như mình vừa chia sẻ, mình đã có cơ hội tiếp xúc khi làm việc ở quán bar nên việc bắt kịp cũng khá nhanh. Bên cạnh đó, mọi chi tiết trên xe đều hình tượng hóa nên các khái niệm gắn với xe cũng dễ nhớ.

- Đó là tiếng Anh giao tiếp, còn với văn bản thì sao, thưa Cường?

Trên thực tế, toàn bộ văn bản tại Harley-Davidson Việt Nam không được Việt hóa. Số lượng dealer ít khiến tài liệu không được Việt hóa, khác hẳn Thái Lan hay Trung Quốc. Mình không thể trách được.

Thế là thợ và nhân viên ở đây phải theo và trau dồi kiến thức tiếng Anh. Cứ mở tài liệu ra là hình dung về xe, tự học và học hỏi các anh chị đi trước là cách thức nhanh nhất.

- Từ washing boy, Cường đã trải qua các cấp bậc nào để tới được vị trí "Bậc thầy kỹ thuật" như hiện tại?

Quốc Cường: Từ chàng rửa xe tới bậc thầy kỹ thuật Harley-Davidson duy nhất Việt Nam - Ảnh 8.

Tại Harley có tổng cộng 5 cấp bậc cho một vị trí như mình. Mới vào là Staff Technician (Nhân viên kỹ thuật). Mình sẽ phải đi học 2 lớp trong 2 lần ở Singapore. Thời điểm đó, trường chỉ mở ở Singapore thôi, toàn bộ nhân viên kỹ thuật ở châu Á Thái Bình Dương phải về đó hết.

Hoàn thành khóa học thì lên level 2 là Technician (Kỹ thuật viên). Khá lâu sau, Harley-Davidson Mỹ cho ngừng trường học tại Singapore để chuyển về Thái Lan do chi phí đắt đỏ. Việc học lên cấp bậc cũng vì thế bị hoãn.

Sau khi ra Hà Nội, trường học tại Thái Lan mở, mình được cử đi 3 lần để lên level 3 gọi là Advance Technician (Kỹ thuật viên cấp cao). Thêm 1 lớp nữa thì lên level 4 là Expert (Chuyên gia kỹ thuật). Cuối cùng, mình phải học thêm 2 lớp để lên level 5 là Master hay PhD như hiện tại.

- Leo lên level 5 là cao nhất rồi, công việc hiện tại của Cường là gì?

Thực ra đi học là để cải thiện năng suất làm việc. Vì khi nắm được kiến thức thì làm việc dễ hơn, nhanh hơn và quan trọng là an toàn hơn. PhD nói là vậy nhưng cũng không phải điều gì ghê gớm cả. Công việc chính của mình vẫn là tới xưởng nhận các công việc từ cố vấn dịch vụ. Mình vẫn làm tất công việc chứ không phải như một ngôi sao, phải là việc to lớn mới làm. Thay bi, lắp đèn, lắp đồ chơi, thay dầu, hư máy nổ, bảo dướng định kỳ,… mình vẫn làm hết.

Quốc Cường: Từ chàng rửa xe tới bậc thầy kỹ thuật Harley-Davidson duy nhất Việt Nam - Ảnh 9.
Quốc Cường: Từ chàng rửa xe tới bậc thầy kỹ thuật Harley-Davidson duy nhất Việt Nam - Ảnh 10.

- Vậy tới thời điểm này, Cường đã truyền dạy lại kiến thức cho các bạn ở Việt Nam hay chưa?

Công việc hiện tại khá nhiều. Bán xe nhiều thì sửa nhiều hơn. Xưởng dịch vụ đang quá tải. Một hay hai người là không đủ. Hiện tại, mình đang có những người phụ việc khác. Mình cũng chỉ bảo lại từ những gì mình học. Hơn ai hết, mình muốn truyền đi được tinh thần, đã là thợ trong dealer, phải cho khách hàng thấy là mình làm đúng và an toàn, gọn gàng, sạch sẽ.

Quốc Cường: Từ chàng rửa xe tới bậc thầy kỹ thuật Harley-Davidson duy nhất Việt Nam - Ảnh 11.

- Cho tới nay, bạn đã tìm ra ai đó như mình chưa?

Thật ra, mỗi người có nhận thức và khả năng tiếp thu riêng. Mình cũng chỉ bảo tận tình. Mình trao cho họ đôi cánh còn họ bay tới đâu, xa như nào là năng lực của họ.

- Và hiện nay khách hàng đang đáp lại như thế nào?

Khách hàng rất hay gửi những phản hồi về cho mình. Nói không ngoa nhưng những anh em chơi Harley 3 miền đều biết mình hết. Mình luôn coi khi làm xe cho khách là như làm xe cho chính mình vậy. Họ mua xe không rẻ đâu. Do đó, nếu sơ suất là đền số tiền lớn luôn. Mình luôn đặt sự cẩn thận lên hàng đầu.

- Vậy dự định tương lai của Cường sau khi đã leo hết các cấp bậc là gì?

Về mặt bằng cấp thì mình đã đạt cao nhất nhưng kinh nghiệm còn phải trau dồi nhiều hơn nữa. Không phải PhD thì dừng lại. Mình vẫn sẵn sàng học hỏi thêm, chia sẻ với các đồng nghiệp và cũng học từ đồng nghiệp.

Để được như bây giờ, mình cũng muốn cảm ơn cấp trên đã trao cơ hội. Và khi đạt được rồi thì dự định là chỉ muốn thương hiệu phát triển và vươn lên số 1 Việt Nam. Khi mình ra hội chơi xe, mình muốn có nhiều người bàn tán nhất, tụ họp nhất tại gian hàng của mình. Đó là cách trả ơn thiết thực nhất.

Quốc Cường: Từ chàng rửa xe tới bậc thầy kỹ thuật Harley-Davidson duy nhất Việt Nam - Ảnh 12.

- Cảm ơn Cường vì những trao đổi vừa rồi.

img
img
img
img
img
img